Liên tục dò đáy dù thị trường đạt đỉnh, cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 vừa bị Sở GDCK Tp.HCM (HoSE) chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát. Thời gian áp dụng từ ngày 12/4/2021, cổ phiếu YEG theo đó chỉ được giao dịch phiên chiều theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2019 là âm 385,33 tỷ đồng; sang năm 2020 tiếp tục âm 181,59 tỷ đồng; đồng thời Tập đoàn lỗ luỹ kế tính đến ngày 31/12/2020 hơn 219 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, HĐQT YEG đã lên kế hoạch sẽ tiếp tục sử dụng thặng dư để xoá lỗ luỹ kế, tương tự động thái năm 2020 nhằm “cứu cánh” việc cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo.
Dự báo, nếu không có lãi trở lại trong năm 2021, nhiều khả năng cổ phiếu YEG sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc. Lao dốc ngay đỉnh hoàng kim, nhiều nhà đầu tư có lẽ đã sớm rời bỏ YEG “đình đám” một thời. Và, việc này dù không quá ảnh hưởng đến đám đông thị trường, tuy nhiên cũng để lại nhiều trăn trở về câu chuyện đầu tư một cổ phiếu mới mẻ, “nóng bỏng”.
YEG hiện xuống thấp hơn cả mức đáy cũ thiết lập tháng 2/2020
Điểm lại, chính thức chào sân khi chỉ tròn 12 năm tuổi, Yeah1 được mô tả như kỳ lân ngành truyền thông. Dĩ nhiên, chuyện kinh doanh, những bệ phóng của một ngành khá mới mẻ cũng thách thức giới đầu tư. Lúc bấy giờ, vì là duy nhất nên YEG được định giá trên cơ sở những thương hiệu thành công nước ngoài, mức giá được trả lên đến 350.000 đồng/cp, vượt mặt các “anh cả” Sabeco, Vinamilk, Thế giới Di động…
Điều này từng gây tranh cãi, khi giá trị cổ phiếu bên cạnh dự phóng từ tương lai cần phải được định giá bởi những giá trị tài sản hiện hữu, và Yeah1 thì gần như “xây nhà trên đất người khác”. Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống khi ấy cũng phản biện: “Việc so sánh giá cổ phiếu Yeah1 với các ngành khác của nhiều người là cách nhìn không hiểu ngành, bởi Media và truyền thông là một lĩnh vực hoàn toàn mới. Thị trường là toàn cầu và sản phẩm là không giới hạn”.
Dù vậy, cũng không thể phủ nhận sự nhiệt huyết của YEG những năm đỉnh cao. Đón đầu được những xu thế mới cũng như tiềm năng của ngành, YEG giai đoạn 2017-2019 liên tục ghi nhận những thành tích lớn. Công ty thậm chí đặt tham vọng mang tầm quốc tế và rót vốn sang các thị trường Mỹ, Thái Lan…
Sự cố với YouTube vào tháng 3/2019 như đòn giáng đập tan mọi kế hoạch lớn lao. Đối mặt chính thức với cổ đông tại ĐHĐCĐ năm ấy, ông Tống thẳng thắn thừa nhận, sau sự cố với YouTube đã có được một bài học rất lớn: bài học mà YEG phải bỏ ra hàng ngàn tỷ để nhận lại, bài học để Yeah1 tiếp tục vươn ra trường quốc tế, bài học tư duy “Tại sao lại phụ thuộc vào 1 đối tác”, “Không nên xây nhà trên đất người khác” và là bài học chính bản thân lãnh đạo Tập đoàn chưa bao giờ lường trước được.
Dù khẳng định sẽ sớm trở lại, 6 tháng, 1 năm và hôm nay sau 2 năm, lời hứa của YEG vẫn chưa thành hiện thực. Cũng tuyên bố mạnh mẽ với hệ sinh thái Giga1, tuy nhiên mảng thương mại truyền thông vẫn chưa cho quả ngọt.
Năm 2020, YEG lỗ ròng gần 180 tỷ đồng do hoạt động đã mở rộng hệ sinh thái truyền thông đang có sang hệ sinh thái tiêu dùng. Giá cổ phiếu YEG tiếp tục tụt giảm không phanh xuống còn khoảng 34.000 đồng/cp, chưa đến 1/10 mức giá thời hoàng kim, và tiếp tục giảm đến 30% kể từ đầu năm 2021.
Trên bản cân đối kế toán, tính đến 31/12/2020, lượng tiền và tiền gửi của Yeah1 cũng giảm từ hơn 616 tỷ đồng xuống chỉ còn 58 tỷ đồng.
Về phía Chủ tịch, cổ phiếu sụt giảm đã “thổi bay” hàng ngàn tỷ tài sản của ông Tống, giảm hơn 8 lần xuống còn dưới 300 tỷ đồng và không còn nằm trong danh sách 200 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.
Mới đây, ông Tống còn tiếp tục bán ra 250.000 cổ phiếu YEG, nhằm mục đích tài chính cá nhân. Nếu thương vụ này thành công, ông Tống sẽ giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại YEG từ 25,52% xuống còn 24,72%. Trước đó, ông Tống cũng đã bán thoả thuận hơn 5 triệu cổ phiếu YEG.
Có lẽ, sau tất cả, điều còn lại ở YEG đến nay là sự nhiệt huyết, để tái khởi nghiệp như quyết tâm của người đứng đầu. Theo kế hoạch họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay, YEG sẽ đưa ra phương án khắc phục khoản lỗ sau thuế 2020. Cụ thể, năm 2020, Công ty tập trung đầu tư và xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng, cơ bản đã hoàn thành để đi vào hoàn thiện và khai thác với đối tác mới từ quý 2/2021.
Tại cuộc họp HĐQT gần nhất ngày 30/3/2021, HĐQT đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng ở mảng truyền thống – digital trên 20%. Ngoài ra, HĐQT cũng đề xuất ĐHĐCĐ về việc sử dụng một phần nguồn thặng dư vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2021.
Xét riêng về mảng thương mại tiêu dùng, theo YEG năm 2021 hứa hẹn là năm thị trường tiêu dùng phục hồi sau đại dịch (sau khi có vaccine Covid-19), do đó sức mua tăng. Nhu cầu tiêu dùng tăng sẽ là điều kiện tiền đề để hệ sinh thái tiêu dùng khởi sắc, phía YEG nói thêm.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị