ACB vẫn duy trì kết quả kinh doanh ổn định và đang mở rộng sang những phân khúc khác hàng mới như FDI, doanh nghiệp xanh/xã hội.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – Mã: ACB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 4.892 tỷ đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm tước. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng là 3.905 tỷ đồng, giảm 5,6%.
Trong quý đầu tiên của năm, ACB ghi nhận thu nhập lãi thuần, hoạt dộng dịch vụ, chứng khoán tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng 8,1%, đạt 6,722 tỷ đồng. Mặc dù thu nhập lãi trong quý I quay đầu giảm 9,5% nhưng do chi phí lãi tụt tới 24,9% nên thu nhập lãi thuần vẫn đạt kết quả tích cực.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 18,8%, đạt 745 tỷ đồng. ACB không thuyết minh chi tiết về khoản mục này trong báo cáo tài chính. Hoạt động chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư của ACB trong quý I/2024 đều ghi nhận kết quả thuận lợi.
Trong đó, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh tăng 357%, mang về 196 tỷ đông, còn chứng khoán đầu tư thoát lỗ và mang về 204 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, lãi thuần hoạt động kinh doanh khác của ACB giảm 89% còn 62,4 tỷ đồng. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, số tiền mà ACB thu được từ các khoản nợ đã xử lý hóa, bù đắp bằng rủi ro trong quý I chỉ là 176 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với mức 533 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Hoạt động ngoại hối ghi nhận lãi thuần giảm 46,7% xuống 233 tỷ đồng. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần đóng góp không đáng kể vào cơ cấu lợi nhuận của ACB.
Nhờ một số mảng kinh doanh tích cực, tổng chi phí hoạt động của ACB đã tăng 3,1% lên 8.169 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động tăng 10,2%, chủ yếu do chi phí cho nhân viên, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng đi ngang.
Ngoài ra, chi phí dự phòng gấp đôi cùng kỳ đã kéo lợi nhuận trước thuế của ACB giảm 5,1%. Theo giải thích từ phía ACB, lợi nhuận quý I giảm so với cùng kỳ do cùng kỳ năm 2023 có khoản thu nhập bất thường và ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng nợ vay.
Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của ACB đạt 727.298 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng của ACB ở mức 506.122 tỷ đồng (ngân hàng không có trái phiếu doanh nghiệp), tăng 3,8% so với đầu năm. Huy động tăng 2,1%, ở mức 492.804 tỷ đồng.
Tỷ lệ ROE của ACB ở mức 23,4%, ở trong nhóm đầu ngành về độ hiệu quả. Số dư nợ xấu của ACB tăng thêm 24,8% lên 7.348 tỷ đồng. Hiện tỷ lệ nợ xấu của ACB vẫn được kiểm soát ở mức 1,45%. Nếu không gồm tác động của nhóm nợ theo CIC thì tỷ lệ nợ xấu của ACB chỉ là mức 1,3%.
ACB cho biết từ đầu năm đã tập trung phát triển phân khúc doanh nghiệp FDI, cung ứng những dịch vụ như thanh toán (trong nước, quốc tế), giao dịch ngoại tệ, dịch vụ bảo hiểm tỷ giá như HĐ Forward, HĐ hoán đổi 2 đồng tiền CCS, cấp tín dụng (tài trợ thương mại, tài trợ dự án, bảo lãnh).
Hiện ACB đang phục vụ cho các khách hàng FDI đến từ nhiều quốc gia/ vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, các nước EU như Pháp, Đức,… và tiếp tục mở rộng phân khúc này.
Bên cạnh đó, cũng trong quý I/2024, ACB cho ra mắt gói tín dụng xanh/xã hội với hạn mức 2.000 tỷ đồng và lãi suất chỉ từ 6%/năm, ưu đãi lên đến 24 tháng và được miễn/giảm phí trả nợ trước hạn. Tính đến hết quý, ACB đã giải ngân 36% gói tín dụng xanh/xã hội, tương đương 714 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý I, ACB có 13.637 nhân viên, giảm nhẹ so với đầu năm. Chi phí bình quân cho nhân viên tiếp tục tăng 3,7% so với cùng kỳ, lên mức 39,1 triệu đồng/người/tháng, thuộc nhóm dẫn đầu ngành ngân hàng.