Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra từ tháng 8/2020 trên cơ sở kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của đại diện ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 7/2020.Mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Malaysia là 10.2%.
Sau 8 tháng điều tra sơ bộ theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan cũng như Hiệp định chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại Thế giới, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Malaysia cũng như xem xét, tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng các sản phẩm thép hình chữ H.
Đáng lưu ý, trong quá trình điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương cũng đã làm việc, tham vấn với các bên có liên quan để xem xét, xác định rõ phạm vi sản phẩm thuộc đối tượng điều tra.
Kết quả cho thấy lượng nhập khẩu đã tăng mạnh vào thời kỳ điều tra, gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất thép hình chữ H trong nước.
Vì thế, hành vi bán phá giá này tiếp tục gây ra sức ép đáng kể cho các chỉ số hoạt động của ngành sản xuất trong nước, thể hiện ở các tiêu chí như sản lượng sản xuất, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, hàng tồn kho có nhiều biến động trong giai đoạn điều tra, các chỉ số này đều cho thấy xu hướng suy giảm rõ rệt.
Cục Phòng vệ thương mại cho hay trong thời gian tới, để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để xác định các sản phẩm có yếu tố đặc biệt cần được loại trừ, miễn trừ đồng thời, đánh giá tác động toàn diện của vụ việc đến các bên liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng cuối cùng và dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào quý 2/2021./.
Nhật Quang
FILI