Doanh thu bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) trong 4-5 năm qua liên tục tăng, tiến gần tới vị thế của một kênh chủ lực của các nhà băng. Hiện tại hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam đều đã ký hợp đồng độc quyền phân phối cho các hãng bảo hiểm. Một số ngân hàng chưa ký độc quyền và xem đó như “của để dành” trong một thị trường ngày càng mở rộng.
Thế nhưng, hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng đã gặp nhiều khó khăn hơn sau khi cơ quan chức năng vào cuộc sau khi nhiều khách vay lên tiếng tố bị nhân viên ngân hàng ép mua.
Doanh thu sụt giảm nhưng vẫn là “mỏ vàng”
Theo Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ qua kênh đại lý cá nhân, kênh đại lý tổ chức – bán qua ngân hàng… ước đạt 81.400 tỷ đồng, chỉ giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo tăng trưởng phí dịch vụ từ hoạt động bảo hiểm của ngành ngân hàng năm 2023 sẽ chậm lại đáng kể do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng xấu đến thu nhập của người tiêu dùng, từ đó tác động tới nhu cầu mua bảo hiểm. |
Dù doanh thu từ phí bảo hiểm nhân thọ tại các ngân hàng đã giảm trong những tháng đầu năm do những lùm xùm trước đó nhưng đây vẫn là “mỏ vàng” đối với các ngân hàng.
Đơn cử, dù giảm gần 45% so với cùng kỳ năm trước, nhưng khoản hoa hồng bảo hiểm nhân thọ mà Ngân hàng Quốc tế (VIB) gặt hái được trong quý I/2023 cũng đạt hơn 118 tỷ đồng. Hay như trong quý đầu năm nay, thu phí dịch vụ kinh doanh, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn của TPBank sụt giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhà băng này vẫn duy trì phong độ, thu tiền lớn từ hoạt động này, lên đến 116 tỷ đồng.
Một ngân hàng khác là MB đang sở hữu 2 công ty bảo hiểm là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas (MBAL) trong cả hai phân khúc nhân thọ và phi nhân thọ. Sau hàng loạt lùm xùm về hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng, kết thúc quý I/2023, thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm tại ngân hàng MB có xu hướng giảm 11% so với cùng kỳ, nhưng vẫn ghi nhận hơn 2.086 tỷ đồng, chiếm tới 73% doanh thu từ mảng dịch vụ.
Theo dự báo trước đó của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance của doanh nghiệp bảo hiểm sớm đạt 50% trên tổng doanh thu khai thác mới, giúp ngân hàng vượt qua các đại lý trở thành kênh kiếm tiền chủ lực cho các công ty bảo hiểm.
Tuy nhiên, “con gà đẻ trứng vàng” của các nhà băng cũng đang để lộ nhiều vấn đề. Theo kết luận thanh tra bốn công ty bảo hiểm nhân thọ (Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sun Life), vừa được Bộ Tài chính công bố, tỷ lệ hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng bị hủy chỉ sau một năm rất cao, thấp nhất là 32,4% và cao nhất lên tới 73%.
Ngoài ra, kết luận thanh tra còn cho thấy, các vi phạm chủ yếu ở khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục; Không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; Cho đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng sử dụng mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin… Bộ Tài chính cũng cho biết, sẽ còn 10 doanh nghiệp khác nằm trong diện thanh tra trong thời gian tới.
“Tương lai” của bán chéo bảo hiểm trong ngân hàng ra sao?
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho hay: “Kênh bancassurance vẫn đang trong ‘tâm bão’, trong khi doanh thu khai thác mới qua kênh đại lý vẫn chưa cải thiện, nên dự báo tăng trưởng phí mới trong quý III/2023 tiếp tục giảm sút, nhất là kinh tế vẫn khó khăn, niềm tin vào bảo hiểm chưa được phục hồi, các đợt thanh – kiểm tra tiếp tục được thực hiện…”.
Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo tăng trưởng phí dịch vụ từ hoạt động bảo hiểm của ngành ngân hàng năm 2023 sẽ chậm lại đáng kể do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng xấu đến thu nhập của người tiêu dùng, từ đó tác động tới nhu cầu mua bảo hiểm.
Còn theo các chuyên gia phân tích của VCBS, việc các cơ quan chức năng đẩy mạnh thanh tra kiểm tra ngân hàng ép khách mua bảo hiểm có thể khiến hoạt động bán chéo bảo hiểm của ngân hàng gặp khó khăn hơn các năm trước đây. Tuy nhiên nhiều ngân hàng vẫn được “lót tay” cả ngàn tỷ đồng từ các hợp đồng ký kết hợp tác độc quyền với công ty bảo hiểm.
Chẳng hạn LPBank đã chính thức ký hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền với Dai-ichi Life trong 15 năm, với mức phí trả trước mà ngân hàng nhận được lên đến 3.000 tỷ đồng, chưa kể doanh thu từ hoa hồng bảo hiểm được kỳ vọng tăng từ 30 – 40% mỗi năm.
Thực tế, trong năm 2023 các ngân hàng như Vietcombank, ACB, VietinBank, Sacombank và VPBank cũng ghi nhận một phần phí trả trước cho hợp đồng độc quyền đã ký.
Với các công ty bảo hiểm, dù là thách thức, song giai đoạn này cũng là cơ hội để nhìn nhận lại hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trình bày điều khoản đơn giản hơn và cải thiện chất lượng tư vấn.
Năm 2023 cũng đánh dấu Luật Kinh doanh bảo hiểm mới có hiệu lực và sẽ có thêm các văn bản hướng dẫn. Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt nhận định, khung pháp lý mới sẽ giúp thị trường có sự minh bạch, tạo sự chủ động cho công ty bảo hiểm trong thiết kế sản phẩm, có các biện pháp chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người được bảo hiểm.
Huyền Anh
Theo vnbusiness