Trong báo cáo Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (tính đến ngày 20/4) đã đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, FDI chảy vào bất động sản đạt gần 1,7 tỷ USD, chỉ đứng sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Vốn ngoại chảy mạnh
Con số gần 1,7 tỷ USD đăng ký vào ngành địa ốc có thể khiến không ít người bất ngờ nếu so sánh tương quan với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm ngoái, vốn ngoại muốn chảy vào bất động sản chỉ đạt khoảng 386 triệu USD. Đồng nghĩa, so với năm nay, nguồn vốn FDI rót vào lĩnh vực lĩnh vực nhà đất đã tăng gấp hơn 4 lần, dù thị trường vẫn đang trong quá trình vực dậy từ đáy.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, nhìn nhận Việt Nam đã và đang lọt vào tầm ngắm của các ông lớn nước ngoài. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng thu hút đầu tư.
Vốn ngoại chảy vào bất động sản trong 4 tháng đầu năm 2024 cao gấp 4 lần cùng kỳ. |
Đặc biệt, theo chuyên gia, tỷ suất lợi nhuận cao là yếu tố then chốt trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư quốc tế, và điều này lại đang thể hiện khá rõ nét tại thị trường địa ốc Việt Nam.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho hay thị trường dần hồi phục, tận dụng lợi thế dòng tiền, nhiều doanh nghiệp FDI đang ưu tiên đổ vốn vào các lĩnh vực bất động sản công nghiệp và nhà ở, bên cạnh đó là khách sạn, nghỉ dưỡng, bán lẻ, văn phòng…
Thực tế cũng chỉ ra trong thời gian qua, khi những khó khăn dần với đi, thị trường bất động sản đã ghi nhận nhiều “tay chơi” cả cũ và mới tham gia vào cuộc đua mua bán và sáp nhập (M&A). Và một điều dễ nhận thấy là lợi thế đang phần nào đó nghiêng về phía các doanh nghiệp ngoại.
Những thương vụ đình đám thể hiện cho ưu thế của “đại bàng” quốc tế có thể kể đến như vào cuối năm 2023, UBND tỉnh Bình Dương thông qua quyết định cho phép Becamex IDC chuyển nhượng dự án khu đô thị Tân Thành Bình Dương tại thành phố Thủ Dầu Một cho CapitaLand.
Dự án trên rộng 18,9 ha, trong đó tổng diện tích xây dựng gần 593.000 m2. Với tổng mức đầu tư 13.645 tỷ đồng, dự kiến cung cấp 462 căn biệt thự và khoảng 3.300 căn hộ. Quy mô dân số khoảng 12.000 người. Giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 5.085 tỷ đồng.
Bên cạnh các thương vụ đình đám của CapitaLand, hàng loạt thương vụ điển hình khác có thể kể đến như Gamuda Land mua 100% vốn công ty Bất động sản Tâm Lực để sở hữu dự án ở Thủ Đức, TPHCM; Keppel Land mua 49% cổ phần trong 2 dự án của Công ty Nhà Khang Điền…
Có lo thua trên “sân nhà”?
Có thể thấy, trong bối cảnh khối nội gặp khó, các đại gia ngoại đang chớp thời cơ để thâu tóm dự án. Kể từ đầu năm 2024 đến nay, dù thị trường dần phục hồi, sức mạnh của doanh nghiệp nội đang trở lại, tuy nhiên, cán cân trong cuộc đua M&A được dự báo tiếp tục nghiêng về phía khối ngoại.
Cushman & Wakefield dự báo một lượng vốn lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2024-2026. Các nhà đầu tư gốc Á từ Singapore, Malaysia… nhiều khả năng sẽ tiếp tục “chiếm sóng” trên thị trường
Đáng chú ý, theo Cushman & Wakefield, nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán với kết quả khá tích cực. Mục tiêu đầu tư của khối ngoại vẫn nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật cũng như có pháp lý hoàn chỉnh, nhiều tiềm năng phát triển.
Phân khúc nhà ở vẫn là lựa chọn hấp dẫn của cả nhà đầu tư nội và ngoại bởi tỷ suất sinh lời hấp dẫn. Nếu 15 năm trước, dòng vốn FDI chỉ tập trung vào nhà ở cao cấp với những tên tuổi quen thuộc như Keppel Land, Capitaland…, thì hiện nay, thị trường có thêm nhiều “tay chơi” mới tham gia cuộc chơi như Lotte Group, GS, Sumitomo, Hong Kong Land…
Ưu thế đang nghiêng về phía các doanh nghiệp nước ngoài, tuy nhiên, theo giới phân tích, thời “cá lớn nuốt cá bé” đã qua, các doanh nghiệp nội với tiềm lực mạnh hoàn toàn có thể lựa chọn trở thành đối tác thay vì đối đầu “một mất một còn”.
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, chuyên gia của JLL Việt Nam, đánh giá thâu tóm hay hợp tác là hai mảng của M&A. M&A hiện tại không chỉ là một “game” thu gom tài sản đơn thuần, vì vậy, các doanh nghiệp nội có thể coi đây như giải pháp để nâng cao nội lực, tăng sức cạnh tranh.
Chưa kể, các doanh nghiệp trong nước ngày càng nắm lợi thế lớn hơn về quỹ đất, tiềm lực tài chính, sự thấu hiểu thị trường… khiến các doanh nghiệp quốc tế thay đổi chiến lược trong các thương vụ M&A, từ “mua đứt, bán đoạn” sang hợp tác cùng phát triển.
Thị trường bất động sản năm 2024 và các năm tiếp theo được dự báo tiếp tục sôi động với những thương vụ M&A ở hầu hết các phân khúc từ công nghiệp, văn phòng đến nhà ở. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, đây là một trong những “quân bài” giúp doanh nghiệp đi sâu vào chuỗi giá trị của mình, gia tăng thị phần, sản phẩm, mở rộng tiếp cận với thị trường…
Hưng Nguyên