Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 4/2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU đạt gần 9 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, tính từ đầu năm đến ngày 15/4, xuất khẩu cá tra đạt 47 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu cá tra sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều sụt giảm từ 2 – 100% |
Năm 2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU liên tục tăng giảm thất thường. Sau khi sụt giảm liên tiếp ở các tháng trước đó, xuất khẩu cá tra sang EU tăng nhẹ trong tháng 9 và tháng 10/2023, và lại tiếp tục giảm trong 2 tháng cuối năm 2023.
Quý I/2024, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường EU đạt gần 39 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tháng 3/2023 ghi nhận giá trị xuất khẩu cao nhất với hơn 18 triệu USD, tuy nhiên vẫn giảm 7% so với cùng kỳ.
Trước đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang khối thị trường này trong tháng đầu năm nay ghi nhận tăng trưởng dương 20%, với gần 13 triệu USD, trước khi giảm liên tiếp trong tháng 2/2024 và tháng 3/2024.
Quý I/2024, cá tra phile đông lạnh vẫn là mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang EU chiếm 95% tỷ trọng, giá trị xuất khẩu giảm 12% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cá tra chế biến (mã HS16) và cá tra đông lạnh nguyên con sang EU cũng lần lượt giảm 50% và 13% so với quý I/2023.
Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều sụt giảm từ 2 – 100%. Hà Lan là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam trong quý đầu năm nay, với gần 11 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài Hà Lan, xuất khẩu cá tra sang Đức trong quý I/2024 cũng chứng kiến tăng trưởng âm trong cả 3 tháng đầu năm nay. Cụ thể, 3 tháng đầu năm nay, Đức giảm nhập khẩu cá tra lần lượt là 30%, 50% và 9%. Lũy kế xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong quý I/2024 đạt 8 triệu USD, giảm 29% so với quý I/2023.
Quý I/2024, mặc dù khối lượng xuất khẩu cá tra sang EU vẫn tăng 26%, tuy nhiên mức giá trung bình xuất khẩu thấp dẫn đến tổng giá trị xuất khẩu liên tiếp sụt giảm trong nhiều tháng. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, Hà Lan và Đức vẫn là 2 thị trường trọng điểm của xuất khẩu cá tra sang EU.
Trong đó, Đức vượt Hà Lan trở thành thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam trong khối EU với 2,4 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính đến ngày 15/4/2024, tổng kim ngạch cá tra xuất khẩu sang thị trường này vẫn giảm 19% so với cùng kỳ năm 2023. Từ năm 2023, Đức cho thấy sự không chắc chắn trong xu hướng tăng trưởng khi quốc gia này cũng tăng giảm thất thường nhu cầu nhập khẩu cá tra từ Việt Nam.
Giá trung bình xuất khẩu cá tra sang thị trường EU trong 3 tháng đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Kể từ quý cuối năm 2023, giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU giảm nhẹ, sau đó ổn định ở mức 2,28 USD/kg trong tháng cuối năm và duy trì mức giá này trong tháng đầu năm 2024. Tháng 2/2024, giá xuất khẩu cá tra sang khối EU tăng nhẹ so với tháng trước đó, tuy nhiên vẫn giảm 9% so với mức 2,74 USD/kg cùng kỳ năm ngoái. Tháng 3/2024, mức giá này giảm nhẹ so với tháng 2/2024 và giảm 11% so với mức 2,74 USD/kg cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), phục hồi và tăng trưởng kinh tế EU trong năm 2024 sẽ là không dễ dàng trước những diễn biến ngày càng căng thẳng của cuộc xung đột Nga – Ukraine và xung đột ở Trung Đông với những tác động đầy bất ổn và rủi ro cho triển vọng kinh tế của khối Liên minh này.
VASEP nhận định, xuất khẩu thủy sản sang EU, trong đó có cá tra, sẽ chịu ảnh hưởng của suy thoái chung toàn cầu. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần khai thác tối đa những ưu đãi, lợi thế mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (Hiệp định EVFTA) mang lại để tham gia sâu hơn vào thị trường EU. Đồng thời, việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của khối thị trường này về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cũng là các yếu tố quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào EU.
https://kinhtengoaithuong.vn/thuong-mai