Theo trang Al Mayhaden, ngày 14/4 vừa qua, Lực lượng vũ trang Iran bắt giữ một tàu container thuộc sở hữu của Israel gần eo biển Hormuz. Đây là diễn biến mới trong căng thẳng giữa Israel và Iran, vốn khởi đầu từ những cáo buộc của Iran về việc Israel đã phát động không kích vào đại sứ quán Iran tại Syria. Để trả đũa, vào ngày 14/4, Iran đã phóng hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái vào không phận Israel. Phía Israel đã hứa sẽ có động thái trừng phạt thích đáng.
Cảng Haifa tại Israel. Nguồn ảnh: Ilan Rosenberg, Reuters |
Theo các kênh truyền thông Israel, việc Iran bắt giữ tàu container của Israel được coi là một đòn giáng vào tuyến đường thương mại nối Israel với các nước ở phía đông nước này. Được biết, chuỗi cung ứng của Israel đã bị tổn hại nghiêm trọng từ khi chiến sự Israel – Hamas xảy ra vào tháng 10 năm ngoái và càng trầm trọng hơn kể từ phiến quân Houthi kiểm soát khu vực Biển Đỏ.
Theo Giáo sư Faisal Ahmed tại Trường Quản trị FORE (Ấn Độ), eo biển Hormuz là điểm huyết mạch của tuyến đường giao thương hàng hóa không chỉ với Israel, mà còn với cả khu vực Trung Đông. Vì vậy, nếu xung đột Iran – Israel tiếp tục leo thang, chuỗi cung ứng hàng hóa dọc eo biển có thể bị gián đoạn nghiêm trọng. Giáo sư Faisal Ahmed cũng cảnh báo: “Nếu các nước khác trong khu vực cũng bị kéo vào xung đột, một số ngành hàng như dầu khí, hàng không, khách sạn cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể chịu ảnh hưởng nặng nề. Điều này sẽ càng đẩy chi phí logistics và bảo hiểm tăng lên, dẫn đến chi phí thương mại cao hơn”.
Chuỗi cung ứng hàng hóa từ Việt Nam đang bị ảnh hưởng như thế nào từ xung đột?
Hiện tại, giày dép và nông sản đang là một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là Israel. Nếu xung đột tiếp tục lan rộng thì tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam là một điều khó tránh khỏi. Nguyên nhân là do giá cả các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất sẽ tăng, cước vận chuyển cũng sẽ tăng, qua đó, người tiêu dùng trên thế giới có thể thắt chặt chi tiêu do lo ngại bất ổn.
Ông Nguyễn Văn Khánh – Chủ tịch Hội da giày TP. Hồ Chí Minh thừa nhận, đa số doanh nghiệp trong ngành vẫn đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng. Theo ông Nguyễn Văn Khánh, có đến 60% doanh nghiệp của hiệp hội không có đơn hàng từ quý II đến hết năm nay. Ngược lại, 40% số doanh nghiệp có đơn hàng qua châu Âu và Mỹ cũng có thể gặp khó khăn khi tuyến đường hàng hải tại khu vực Trung Đông bị ứ đọng.
Ngành thực phẩm cũng chứng kiến đơn hàng giảm do khách hàng trong khu vực đang lo ngại tình hình bất ổn. Ông Nguyễn Văn Thứ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food), Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) chia sẻ “Chúng tôi hiện xuất khẩu sang Trung Đông, dù không nhiều nhưng vẫn giữ mối quan hệ với các khách hàng ở thị trường này để chờ hồi phục”.
Giải pháp của các doanh nghiệp logistics Ấn Độ
Giống như Việt Nam, Ấn Độ cũng là nước có ngành thương mại song phương phát triển với Israel và các nước trong khu vực Trung Đông. Trong bối cảnh căng thẳng Iran – Israel đang leo thang, các chuyên gia trong ngành logistics ở Ấn Độ đang thực hiện các giải pháp quyết liệt để đảm bảo hàng hóa được an toàn và đạt đúng tiến độ.
Về giải pháp vấn đề hàng hải, ông Jitendra Srivastava, Giám đốc điều hành công ty Triton Logistics & Maritime, đã chia sẻ “Ngành logistics Ấn Độ đang chủ động bảo vệ hàng hóa bằng cách đa dạng hóa các tuyến vận chuyển, tăng cường an ninh và sử dụng công nghệ.” Qua bài phỏng vấn với tạp chí BW Business World, ông cũng nói thêm: “Các doanh nghiệp cần ưu tiên khả năng phục hồi và thích ứng.”
Đồng quan điểm, ông Sandeep Chadha, Giám đốc điều hành công ty bất động sản Warehuster, đã nhấn mạnh: “Việc ưu tiên đa dạng hóa chuỗi cung ứng, quản lý rủi ro và các giải pháp ngoại giao là rất quan trọng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Ngành logistics cần phải tăng cường các biện pháp an ninh và áp dụng các công nghệ theo dõi tiên tiến để đảm bảo hàng hóa được vận chuyển an toàn.”
Được biết, chuỗi cung ứng các mặt hàng nông nghiệp, điện tử và may mặc của Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Israel. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt xấp xỉ 1,4 tỷ USD. Cũng trong năm ngoái, Việt Nam và Israel đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do VIFTA, tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu không chỉ sang Israel mà còn có cơ hội tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu. |
https://kinhtengoaithuong.vn/thuong-mai