Các nhà sản xuất châu Âu kêu cứu vì không cạnh tranh nổi với pin mặt trời Trung Quốc giá rẻ, nhưng ứng phó thế nào lại gây tranh cãi.
Liên minh Châu Âu (EU) vừa có một năm “bội thu” về năng lượng xanh. Họ đã lắp đặt công suất năng lượng mặt trời ở mức kỷ lục, nhiều hơn 40% so với 2022. Nhưng sự bùng nổ năng lượng xanh không giúp ích cho các nhà sản xuất tấm pin mặt trời tại chỗ. Bởi lẽ phần lớn các tấm pin và bộ phận lắp đặt khác đều đến từ Trung Quốc, có khi lên đến 95%, theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Bị đè bẹp bởi hàng nhập khẩu rẻ hơn và tình trạng dư cung, một số doanh nghiệp EU rơi vào khủng hoảng. Thông báo đóng cửa sản xuất đang chồng chất. Ngành thiết bị điện mặt trời châu Âu cảnh báo một nửa công suất sản xuất có thể biến mất trừ khi chính phủ vào cuộc.
Các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực ứng phó nhưng vẫn chưa thống nhất cách thực hiện. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã viết thư cho Ủy ban châu Âu, bày tỏ lo ngại việc giới chức EU có thể cân nhắc áp đặt các hạn chế thương mại đối với hàng nhập khẩu năng lượng mặt trời của Trung Quốc.
“Tôi nghe nói Ủy ban đang có ý định áp dụng các biện pháp tự vệ đối với việc nhập khẩu các mô-đun quang điện (PV) từ Trung Quốc. Tôi rất lo ngại về điều này”, bức thư của ông Robert Habeck nêu.
Bộ trưởng Kinh tế Đức cảnh báo việc hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc có thể cản trở sự phát triển nhanh chóng của năng lượng xanh ở châu Âu và khiến 90% thị trường PV trở nên đắt đỏ hơn. Đồng thời, các công ty lắp ráp, lắp đặt pin mặt trời nhập khẩu tại EU cũng có nguy cơ phá sản.
Tây Ban Nha không loại trừ việc áp thuế quan đối với nhập khẩu nguyên liệu làm tấm năng lượng mặt trời. Hà Lan muốn áp dụng thuế carbon biên giới của EU lên tấm pin mặt trời nhập khẩu. Italy đã thông báo đầu tư 90 triệu euro (97 triệu USD) vào một nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời tại Sicily.
Trong lúc các thành viên có quan điểm khác nhau về ứng xử với pin mặt trời Trung Quốc, Ủy ban châu Âu tỏ ra thận trọng. Trong bài phát biểu hôm 5/2, Ủy viên Dịch vụ Tài chính EU Mairead McGuinness chỉ nhắc lại các biện pháp EU đang có, bao gồm chính sách ban hành dưới dạng luật để đẩy nhanh quá trình cấp phép sản xuất trong nước và mang lại lợi thế cho các sản phẩm nội địa EU trong các cuộc đấu thầu dự án.
Về các hạn chế thương mại, McGuinness có giọng điệu thận trọng. “Hiện chúng ta phần lớn dựa vào nhập khẩu để đạt các mục tiêu phát triển năng lượng mặt trời, nên bất kỳ biện pháp nào cũng cần phải được cân nhắc”, bà nhận định.
Bản thân ngành công nghiệp điện mặt trời châu Âu chia rẽ. Giới sản xuất pin mặt trời kêu gọi các chính phủ thu mua thiết bị đang tồn kho của họ để giảm bớt tình trạng dư cung. Nếu không thể, họ cho rằng cần nhanh chóng xem xét các rào cản thương mại với sản phẩm nhập khẩu.
Nhưng ngành sản xuất điện tái tạo lại phản đối. Miguel Stilwell d’Andrade, CEO công ty tiện ích EDP (Bồ Đào Nha) cho rằng không thể giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong ngắn hạn, hoặc sẽ không xây dựng được dự án. Ông chỉ ra việc Mỹ áp thuế lên pin mặt trời Trung Quốc đã tác động lên lạm phát tại đó. “Giá tấm pin (tại Mỹ) cao gấp đôi châu Âu”, ông cho biết.
Ngay cả các nhà sản xuất địa phương cũng cho rằng hy vọng cải thiện khả năng cạnh tranh là mong manh. Gunter Erfurt, CEO Meyer Burger, nhà sản xuất thiết bị của Thụy Sĩ, nói châu Âu đang trong cuộc chiến giá với Trung Quốc. Công ty này có kế hoạch đóng cửa nhà máy sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời đang thua lỗ ở Đức, với lý do châu Âu không có các chính sách hỗ trợ.
Các công ty châu Âu cáo buộc một số doanh nghiệp Trung Quốc đang bán hàng với giá thấp hơn cả chi phí sản xuất. “Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở Trung Quốc đã được trợ cấp chiến lược hàng trăm tỷ USD trong nhiều năm”, Erfurt nói.
Phiên An (theo Reuters)
https://kinhtengoaithuong.vn/kinh-doanh