Tại Toạ đàm Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tổ chức ngày 22/6, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho biết, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện nay có khoảng hơn 2 triệu tỷ đồng tiền cho vay đối với khu vực này và tỷ lệ nợ quá hạn cũng rất thấp, chỉ khoảng 3-4%.
Nhiều doanh nghiệp gặp phải vấn đề rủi ro pháp lý
Theo nhận định của các chuyên gia, phần lớn trong hàng trăm nghìn DNNVV sau khi vay vốn được từ ngân hàng cơ bản đều đã sử dụng rất hiệu quả và họ đang hoàn trả lại vốn cho ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp nhỏ vay được vốn đáng lẽ để sản xuất kinh doanh nhưng nhiều trường hợp doanh nghiệp bị thu hút kênh khác đem lại nguồn lợi hấp dẫn, nên quên mất mục tiêu chính của mình khi vay vốn.
Chuyên gia Lê Duy Bình dẫn chứng: Sự nóng lên của thị trường bất động sản đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một phần vốn được đưa vào sản xuất kinh doanh nhưng một phần khác lại vào homestay ở Ba Vì, Sóc Sơn… và những dự án khác.
Hiện nay có khoảng hơn 2 triệu tỷ đồng tiền cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa. |
“Chưa kể, họ còn đầu tư vào trái phiếu hay thị trường chứng khoán. Ví dụ, cách đây 3 năm, tôi đã gặp nhiều DNNVV đầu tư rất nhiều vào thị trường chứng khoán dưới danh nghĩa công ty. Cũng không thể nói đây là dòng tiền từ ngân hàng, nhưng tôi cho rằng đáng lẽ số tiền đó phải được sử dụng tốt hơn thông qua đầu tư vào sản xuất kinh doanh”, ông Bình nói.
Trong khi đó, các ngân hàng cho biết, ngân hàng dù có giỏi thế nào đi chăng nữa thì cũng không đủ thời gian và lực lượng để giám sát chặt chẽ dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực quản trị dòng tiền và tìm cách sử dụng nguồn vốn tốt nhất để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp gặp phải vấn đề rủi ro pháp lý không gỡ ra được. Các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn khi thị trường giảm mạnh, tạo nên rủi ro. Do vậy, doanh nghiệp nên tính toán đến các biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, đối với các DNNVV, ngân hàng phải có điều kiện cho vay phù hợp với quy mô của doanh nghiệp như cho vay tín chấp, hạ chuẩn điều kiện vay vốn.
Thiếu kết nối dữ liệu, ngân hàng không dám cho vay tín chấp
Ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách Tín dụng của Agribank khẳng định, không chỉ Agribank mà các tổ chức tín dụng khác khi tham gia hoạt động kinh doanh, việc đầu tiên là phải đảm bảo an toàn vốn. Do đó, Agribank vẫn phải tuân thủ việc không hạ chuẩn điều kiện cấp tín dụng và đảm bảo an toàn vốn.
Tuy nhiên, ông Bạch cho biết, trong quá trình đầu tư vốn cho các doanh nghiệp, có rất nhiều doanh nghiệp được Agribank cho vay không có tài sản bảo đảm hoặc có một phần đảm bảo. “Đương nhiên là doanh nghiệp cũng cần phải có phương án kinh doanh chứ không phải chỉ mỗi tài sản bảo đảm. Quan trọng là phải có phương án kinh doanh còn tài sản bảo đảm là những yếu tố sau cùng khi xét đến”, ông Bạch cho hay.
Về đề nghị cho doanh nghiệp DNNVV được vay tín chấp, ông Ngô Bình Nguyên, Giám đốc Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ của OCB cho rằng, đây là một trong những xu hướng rất văn minh. Ở các nước trên thế giới, họ cũng có rất nhiều sản phẩm đa dạng đi trước thị trường Việt Nam trong vấn đề tín chấp cho khách hàng.
Tuy nhiên, để cho vay tín chấp cho khách hàng không có tài sản đảm bảo thì phải có các bộ đánh giá, xếp hạng khách hàng. Để làm được điều này phải có thông tin, có thể dựa trên chính thông tin của khách hàng giao dịch tại ngân hàng, cũng có thể dựa trên các thông tin từ các tổ chức khác, ví dụ như phần mềm kế toán Misa, cũng là một trong những nguồn dữ liệu thông tin để đánh giá khách hàng; khách hàng có thực hiện đúng cam kết thuế với Nhà nước hay không; khách hàng có thường xuyên thanh toán đúng kỳ, đúng hạn tiền điện không…
Tuy nhiên, theo ông Nguyên, hiện nay, nền tảng về mặt dữ liệu và thông tin ở Việt Nam vẫn rất sơ khai, chưa được đồng nhất, kể cả là dữ liệu thông tin cá nhân hiện nay cũng chưa chưa có nhiều. Chính vì thế, cần thời gian để dần dần xây dựng các cơ chế đánh giá khác biệt ngoài tài sản đảm bảo để cho vay tín chấp nhiều hơn.
Ông Nguyên thông tin thêm, thực ra các ngân hàng hiện nay cũng bắt đầu, dần dần cho vay tín chấp. Như việc khách hàng có giao dịch lâu năm ở một tổ chức tín dụng thì ngân hàng sẽ nới các điều kiện về tài sản đảm bảo với các điều kiện về mặt tín dụng, sẵn sàng nhận hàng tồn kho, sẵn sàng nhận khoản phải thu, tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo cao hơn. Dần dần có sự tin tưởng nhau và tín chấp nhiều hơn.
“Có những khách hàng giao dịch một thời gian rồi thì ngoài nhu cầu tín dụng thông thường của họ, chúng tôi sẵn sàng cho vay thêm khoảng 20% của nhu cầu thông thường mà không cần phải có tài sản đảm bảo. Đó cũng là một trong những hình thức mà ngân hàng đang dần hiện thực hóa việc tín chấp dành cho khách hàng doanh nghiệp”, ông Nguyên thông tin.
Trong thời gian tới, bản thân các ngân hàng cũng đang hợp tác rất chặt chẽ với các công ty như Misa, EVN, MobiFone, Vinaphone, Viettel… để dần dần cùng nhau chia sẻ các dữ liệu, thông tin của khách hàng, từ đó có thể hướng đến việc nhìn nhận và đánh giá được để cho vay tín chấp. Và đặc biệt không chỉ là tín chấp theo kiểu truyền thống mà có thể cho vay trên nền tảng số hóa.
Huyền Anh
Theo vnbusiness