* Sự thống trị của các công ty công nghệ toàn cầu và cuộc chiến bản quyền
Trong ít năm gần đây, các mạng xã hội như Microsoft, Google, Facebook và Amazon…, đã trở thành những nền tảng tương tác quan trọng cho người dùng internet toàn cầu, đồng thời cung cấp lượng thông tin khổng lồ.
Với sự phát triển nhanh chóng của các mạng xã hội và các phương tiện công nghệ, thói quen đọc của nhiều người đã thay đổi. Người dùng trên toàn cầu chuyển dần từ đọc báo in sang sử dụng các nền tảng công nghệ và mạng xã hội để đọc tin tức.
Trong khi đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nền tảng công nghệ và mạng xã hội cùng với việc ngày càng gia tăng số lượng nội dung tin tức trực tuyến miễn phí đi cùng với sự sụt giảm nhanh chóng lượng khách hàng của các hãng truyền thông, đẩy nhiều hãng vào tình cảnh khó khăn về tài chính. Rất nhiều tòa soạn và hãng truyền thông phải đóng cửa, cắt giảm việc làm hoặc thu hẹp quy mô.
Chỉ riêng tại Australia, tính từ 2018, đã có hơn 100 toà soạn tin tức địa phương tuyên bố ngừng xuất bản, một số các hãng truyền thông lớn tiến hành giải thể và sáp nhập. Thậm chí, hãng thông tấn quốc gia Australia (AAP) bất ngờ tuyên bố đóng cửa vào cuối tháng 3/2020, sau 85 năm hoạt động do tình hình tài chính khó khăn. Tại Canada, trong khoảng 10 năm qua, hơn 250 tờ báo của Canada đã phải đóng cửa.
Vấn đề ở chỗ, các hãng truyền thông cũng muốn các tờ báo, các nhà xuất bản có cơ hội phổ biến thông tin và nội dung trên mạng xã hội để đến được đông đảo người dùng. Nhưng các hãng truyền thông cũng muốn các công ty công nghệ toàn cầu trả tiền cho việc sử dụng bản quyền tin tức của báo chí, dựa trên những điều kiện cạnh tranh công bằng và hợp lý hơn.
Các hãng truyền thông tại nhiều quốc gia từ lâu đã đấu tranh để yêu cầu các hãng công nghệ trả tiền để sử dụng nội dung tin tức của họ. Truyền thông châu Âu là bên đi đầu trong nỗ lực này. Những nỗ lực của các hãng truyền thông đã tác động đến Chính phủ các nước. Chính phủ các nước như Thụy Điển, Đan Mạch, Anh, Pháp, Đức, Australia, Canada, Mỹ, cho đến quốc gia có lượng người sử dụng mạng xã hội lớn ở châu Á như Ấn Độ… đều đã có những nghiên cứu và đưa ra các biện pháp để đảm bảo tính hợp lý và cạnh tranh công bằng trong lĩnh vực truyền thông.
Sau một thời gian dài thúc giục các công ty công nghệ thỏa thuận về tự nguyện trả tiền khi lấy tin tức từ các tổ chức báo chí nhưng không đạt kết quả, từ giữa năm 2020, nhằm bảo vệ ngành truyền thông trong nước và nỗ lực kiểm soát các công ty công nghệ toàn cầu, Chính phủ Australia đã thúc đẩy ban hành Bộ quy tắc thương lượng truyền thông. Australia trở thành quốc gia tiên phong trong việc đưa ra dự luật yêu cầu các công ty công nghệ lớn phải trả phí sử dụng nội dung tin tức cho các hãng truyền thông địa phương.
Dự luật của Chính phủ Australia lập tức thu hút sự chú ý của các hãng truyền thông trên thế giới và nhận được sự hưởng ứng từ rất nhiều các chính phủ khác cũng đang theo đuổi kế hoạch kiểm soát các hãng công nghệ lớn trong lĩnh vực truyền thông, như Pháp, Canada…
Hai hãng công nghệ hàng đầu là Google và Facebook, đã nhiều lần công khai lên tiếng phản đối. Ngày 17/2 Facebook đã gây chấn động khi đột ngột cấm người dùng Australia chia sẻ tin tức và đóng cửa các trang Facebook của các hãng tin Australia. Facebook cho rằng báo chí có lợi khi đăng tin tức lên Facebook và việc Facebook phải trả tiền cho báo chí là không công bằng. Facebook cho rằng Bộ Quy tắc thương lượng truyền thông bắt buộc mà Chính phủ Australia theo đuổi đang thiên về hướng có lợi nhiều hơn cho các hãng truyền thông. Hành động của Facebook là một thách thức nghiêm trọng của các công ty công nghệ lớn trước luật pháp của các quốc gia và tạo ra làn sóng phản đối rộng lớn trên thế giới.
Ngày 25/2/2021, Chính phủ Australia thông qua luật có tên chính thức là Luật Thương lượng các nền tảng số và thông tin truyền thông, nhằm buộc các nền tảng mạng xã hội hoạt động tại nước này phải trả phí cho việc khai thác, sử dụng thông tin từ các công ty truyền thông. Điều luật trên được thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của các đảng phái tại Australia.
Đây là điều luật đầu tiên trên thế giới buộc các công ty công nghệ lớn, mà trước hết là Google và Facebook phải trả phí cho các hãng tin, tòa soạn báo, công ty truyền thông một khi các nền tảng mạng này khai thác, sử dụng thông tin của họ.
Theo luật này, Google và Facebook cần phải đàm phán các thỏa thuận bản quyền với đơn vị cung cấp thông tin xuất hiện trên mạng xã hội của các công ty công nghệ này. Mục đích của luật là tạo ra khuôn khổ cho việc đàm phán bình đẳng giữa các các công ty công nghệ lớn toàn cầu, vốn được coi là có sức mạnh thị trường lớn hơn hẳn so với các hãng tin tức nội địa. Trên cơ sở đó buộc các công ty công nghệ lớn, trước hết Google và Facebook, trả tiền cho nội dung tin tức của các tổ chức báo chí nội địa xuất hiện trên các nền tảng công nghệ.
Bài học nào cho Việt Nam?
Theo báo cáo Xu hướng tiếp thị kỹ thuật số Việt Nam 2021 (Vietnam Digital Marketing Trends 2021) được thực hiện trong tháng 1/2021, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam năm 2018 có mức doanh thu tương ứng xấp xỉ 569,9 triệu USD; năm 2019 đạt 715,5 triệu USD; năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng của ngành quảng cáo trực tuyến chững lại, nhưng vẫn duy trì tổng doanh thu ước khoảng 820 triệu USD (khoảng 18.860 tỷ đồng).
Với đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam trong năm 2021 được dự báo sẽ đạt mức doanh thu 955,7 triệu USD. Nhưng từ nhiều năm nay, phần lớn doanh thu từ hoạt động quảng cáo trực tuyến này nằm trong tay Google và Facebook, Youtube… Hầu hết doanh nghiệp tham gia khảo sát trong báo cáo đều cho biết đã chi rất lớn, thậm chí hơn 50% ngân sách quảng cáo kỹ thuật số vào kênh Facebook.
Trước thực trạng đó, Việt Nam cũng cần luật hóa việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận bản quyền với các đơn vị cung cấp thông tin để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng của thị trường truyền thông. Google hiện nay đã ký thỏa thuận chi trả cho khoảng 500 cơ quan báo chí trên toàn cầu, từ châu Mỹ, châu Âu cho đến châu Á. Sau khi đạt được thỏa thuận với Chính phủ Australia, Facebook có thể sẽ bắt đầu quá trình thương lượng với các cơ quan báo chí nước này, rồi mở rộng sang các quốc gia khác. Chính vì vậy, Việt Nam cũng nên tận dụng cơ hội này.
Việt Nam có thể tham khảo cách thức tiếp cận của Australia đối với các công ty công nghệ lớn đang chi phối lĩnh vực quảng cáo trực tuyến và phân phối nội dung tin tức.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần có các bước đi linh hoạt để vấn để không bị đẩy đi xa ngoài mong muốn.
Trước hết, Việt Nam cần xây dựng một lộ trình cụ thể cho việc luật hóa và đưa ra các điều khoản phù hợp và các tiêu chí hợp lý để các khoản chi trả được phân bổ hợp lý tới các chủ thể, không để chỉ các hãng truyền thông lớn được hưởng lợi, còn các công ty nhỏ chịu thiệt thòi.
Thứ hai, cần xác định việc thương lượng đơn lẻ của từng cơ quan báo chí với các công ty công nghệ toàn cầu lớn sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần phải thương lượng tập thể và có sự hậu thuẫn của cơ quan chức năng thì mới hy vọng đạt được tiến bộ. Việt Nam sẽ phải liên kết giữa các bộ, ngành liên quan, đồng thời trao đổi với các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước để thống nhất ý chí.
Thứ ba, Cơ quan quản lý báo chí cần có kế hoạch xây dựng một liên minh kết nối các cơ quan báo chí lớn của Việt Nam, có lượng bạn đọc, lượng truy cập lớn và thường xuyên được khai thác, sử dụng thông tin, sản phẩm trên các nền tảng công nghệ như Facebook, YouTube… để có tiếng nói chung trong việc đấu tranh đòi quyền lợi về bản quyền và chi phí đối với những nền tảng này.
Cuối cùng, cùng với việc luật hóa đàm phán phí bản quyền báo chí, tin tức với các công ty công nghệ toàn cầu như Google và Facebook, cần tạo điều kiện cho các công ty công nghệ, các sản phẩm công nghệ trong nước phát triển đủ mạnh, có thể cạnh tranh bình đẳng và để giảm bớt nguy cơ phụ thuộc hoàn toàn vào các công ty công nghệ toàn cầu trong tương lai.
Chuyên Gia Kinh Tế, PGS.TS.Đinh Trọng Thịnh
Theo Bnews