Tuy nhiên, qua làm việc, một số đại lý xác nhận trên thực tế có hiện tượng nhân viên bán hàng của Heineken Việt Nam yêu cầu đại lý thực hiện việc hạn chế này nhưng không có văn bản thông báo chính thức.
Trên cơ sở đó, theo yêu cầu của Cục CT&BVNTD, Heineken Việt Nam đã ban hành thông báo chính thức và công khai yêu cầu nhân viên bán hàng trên toàn quốc tuân thủ nghiêm chỉnh quy định về pháp luật cạnh tranh và các quy tắc ứng xử nội bộ của công ty trong tất cả hoạt động kinh doanh.
“Việc doanh nghiệp áp dụng chính sách yêu cầu các nhà phân phối, bán lẻ hạn chế phân phối sản phẩm của doanh nghiệp khác sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của các nhà phân phối và hạn chế quyền lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng”, Cục CT&BVNTD khẳng định.
Do đó, để duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, Cục khuyến nghị các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bia cần tuân thủ nghiêm pháp luật về cạnh tranh, tiến hành rà soát và loại bỏ chính sách kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trước đó, theo phản ánh của một số đại lý với Zing, nhân viên bán hàng của Heineken Việt Nam yêu cầu họ không được bán bia Saigon Chill, nếu không sẽ bị cắt khoản phí hỗ trợ từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Tình trạng này cũng diễn ra vào các thời điểm Sabeco ra mắt các sản phẩm bia mới khác.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia lớn thứ ba tại châu Á sau Trung Quốc và Nhật Bản. Doanh số tiêu thụ bia tại Việt Nam tăng 6,6% trong 6 năm liên tiếp, vượt xa mức tăng toàn cầu 0,2%. Bia chiếm 95% tổng tiêu thụ đồ uống có cồn tại Việt Nam.
Năm 2019, hai ông lớn Sabeco và Heineken lần lượt chiếm 39,6% và 33,5% thị phần tại Việt Nam. Trong đó, Heineken có phần tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Các doanh nghiệp theo sau là Habeco (10,9%), Hue Brewery (4,2%) và Carslberg (2,7%).
Lan Anh
Theo Zingnews