Chiều 8/4, CTCP FPT (FPT) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Cổ đông tham dự trực tiếp tại trụ sở mới của tập đoàn.
Năm 2021, FPT đặt kế hoạch doanh thu 29.830 tỷ đồng, tăng 16,4%; lợi nhuận trước thuế 6.210 tỷ đồng, tăng 18%.
Trong đó khối công nghệ doanh thu 19.620 tỷ đồng, khối viễn thông 12.700 tỷ đồng, khối giáo dục & đầu tư 2.400 tỷ đồng; lần lượt tăng trưởng 16,8%, 10,8% và 53,9%.
Kế hoạch lợi nhuận 2.720 tỷ đồng cho công nghệ, 2.380 tỷ đồng cho viễn thông, 1.110 tỷ đồng cho giáo dục & đầu tư; tăng trưởng lần lượt 21,6%, 14,8% và 16,6%.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT, đại dịch COVID-19 là cơ hội cho FPT cho sự tăng trưởng do thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu.
Cập nhật một số thông tin được thảo luận tại đại hội:
– Theo cập nhật từ ông Nguyễn Thế Phương, Phó Tổng giám đốc FPT, kết thúc quý 1, doanh thu tập đoàn tăng trưởng 14%, lợi nhuận tăng trưởng 22% so với cùng kỳ.
– Ông Nguyễn Thế Phương cho biết kế hoạch tăng trưởng doanh thu chuyển đổi số trong năm nay từ 30 – 40%. Năm ngoái FPT đem về hơn 3.200 tỷ đồng mảng này, chủ yếu từ thị trường nước ngoài. Thị trường trong nước để có thể đem về doanh thu cần thời gian, công ty đang làm việc với các doanh nghiệp trong Top 500 vì nhu cầu dịch vụ của nhóm này lớn hơn.
– Hợp đồng 150 triệu USD của FPT với tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu nước Mỹ mỗi năm có thể ghi nhận từ 40 – 50 triệu USD doanh thu.
– Mảng công nghệ thông tin trong nước biên lợi nhuận thấp, chỉ 5,6% nguyên nhân do FPT cung cấp cả các dịch vụ phần cứng và phần mềm. Biên lợi nhuận gộp thị trường nước ngoài từ 18 – 20%. Công ty đang có kế hoạch cải thiện biên lợi nhuận mảng này lên trên 10% trong tương lai thông qua giảm kinh doanh phần cứng, gia tăng hoạt động sản xuất phần mềm Made by FPT. Tỷ suất của Made by FPT khoảng 30%. Năm ngoái, doanh thu CNTT trong nước của FPT đạt hơn 4.800 tỷ đồng, doanh thu Made by FPT đạt 500 tỷ đồng.
– Kế hoạch tham vọng mảng chuyển đổi số từ thị trường quốc tế đến từ nhu cầu thực tế tăng lên rất mạnh. FPT dự kiến doanh thu công nghệ nước ngoài tăng trưởng 50%, trong đó Cloud tăng 50%, RPA tăng 150%, Lowcode tăng 150%…
– Về việc xử lý nghẽn lệnh trên sàn chứng khoán HOSE, ông Bùi Quang Ngọc nói rằng FPT có hàng chục năm kinh nghiệm làm hệ thống phần mềm ngành tài chính, là tác giả của hệ thống trên HNX. Công ty rất tự tin có thể giải quyết vấn đề trong vòng 3 tháng.
– COVID-19 đem đến nhiều cơ hội đối với FPT trong ngành công nghệ, nguy cơ là gì:
Ông Trương Gia Bình nói rằng FPT có thể nhận nhiều đơn hàng một lúc trong thời gian ngắn, việc đáp ứng về chất lượng có thể ảnh hưởng đến uy tín.
Tổng giám đốc FPT cho biết nguồn nhân lực là vấn đề lớn. Phó Tổng giám đốc nói rằng năm nay tập đoàn phải tuyển thêm 7.000 người để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
Một đại diện khác của FPT bổ sung, khi triển khai dịch vụ chuyển đổi số, nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp trong dịch bị bó hẹp. Nếu FPT không tỉnh táo có thể rơi vào tình huống dự án đã triển khai nhưng nguồn thu không đảm bảo.
– Vì sao trả cổ tức chỉ khoảng 1.600 tỷ mỗi năm, trong khi lượng tiền mặt tiền gửi và dòng tiền kinh doanh lớn?
Ông Nguyễn Thế Phương cho biết, FPT trích từ 40 – 45% lợi nhuận trả cổ tức mỗi năm. Công ty giữ tiền mặt vì đang có nhu cầu đầu tư lớn trong mảng viễn thông, phần mềm và giáo dục. FPT đang xin thêm đất xây văn phòng.
Công ty có gần 17.000 tỷ đồng tiền, nhưng đối ứng là vay ngân hàng cũng nhiều, số dư tiền thực tế khoảng 5.000 tỷ đồng cũng không phải lớn.
– Tại đại hội, ban lãnh đạo FPT cho biết đang làm việc với một tập đoàn lớn hàng đầu Việt Nam triển khai chuyển đổi số. FPT mất 6 tháng để ký hợp đồng, hai bên đang gấp rút triển khai và nhiều quyết định quan trọng tiến hành ngay trong cuộc họp.
– Theo ông Trương Gia Bình, chiến lược tập đoàn trong giai đoạn tới là: Data Driven, Customer Centric. Kế hoạch phát triển các sản phẩm chuyển đổi số tăng trưởng 30% mỗi năm.
Theo Nhịp sống kinh tế