Dự đoán nhịp điều chỉnh sớm kết thúc, Dragon Capital cho rằng lịch sử những đợt sụt giảm tương tự cho thấy, nếu rời bỏ thị trường thường phải quay lại với mức giá cao hơn.
Chứng khoán ngày 18/8 giảm đột ngột hơn 55 điểm và VN-Index kết thúc phiên tại mốc 1.177,99 điểm. Sắc đỏ lan rộng trên bảng điện với một phần ba số cổ phiếu trên HoSE giảm kịch sàn, tâm lý bán tháo lan rộng.
Theo Dragon Capital – một trong những công ty quản lý quỹ lâu đời và lớn nhất Việt Nam, yếu tố tâm lý là một phần nguyên nhân. “Một số nhà đầu tư e sợ sự biến động về tỷ giá gần đây sẽ làm ảnh hưởng đến chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam thời gian tới”, báo cáo nhanh về phiên giảm mạnh của thị trường viết.
Ngoài ra, thị trường đã tăng mạnh và liên tục nhiều phiên dẫn đến tâm lý e ngại về sự điều chỉnh mạnh. Động thái giảm margin tại một công ty chứng khoán lớn trong những ngày gần đây cũng có thể đã kích hoạt một đợt bán chốt lời trên diện rộng.
Cùng quan điểm, ông Huỳnh Hoàng Phương – Giám đốc khối Nghiên cứu và phân tích đầu tư tại FIDT cũng nêu bốn lý do chính khiến thị trường giảm mạnh trong phiên cuối tuần. Trong đó, khoảng trống thông tin, định giá cao sau giai đoạn tăng mạnh khiến lực cầu không còn quá mạnh. Việc các công ty chứng khoán đưa ra mức dự phóng về giá cổ phiếu nửa cuối năm, đa phần đều giữ quan điểm tích cực nhưng không quá khả quan cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Từ thị trường quốc tế, một số thông tin cũng gây tác động. Hầu hết nhà đầu tư và các nhà kinh tế học đều dự báo suy thoái sẽ diễn ra với nền kinh tế Mỹ. “Đây có lẽ là sự kỳ vọng lâu nhất, được nhiều người tin nhất, nhưng lại không diễn ra như mong đợi”, báo cáo của Dragon Capital viết.
Thị trường nhà ở, thị trường lao động, tăng trưởng kinh tế, và lợi nhuận của S&P 500 đều tăng vượt kỳ vọng. Tuy nhiên, gần đây thị trường dần nhận thấy sự thận trọng của Fed về lãi suất và lạm phát. Tiếp sau Moody’s, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng đã cảnh báo có thể hạ xếp hạng tín nhiệm của hàng chục ngân hàng Mỹ. Chính những điều này làm cho S&P 500 rớt gần 5% trong ba tuần qua.
Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc cũng là một nhân tố rủi ro đối với kinh tế Mỹ và các nền kinh tế láng giềng tại châu Á.
Ảnh hưởng bởi nhiều thông tin không tích cực, song các chuyên gia và Dragon Capital đều cho rằng nhịp điều chỉnh này sẽ sớm kết thúc.
Dragon Capital khuyên nhà đầu tư “không nên đoán đáy của thị trường”. Họ dẫn số liệu từ lịch sử những đợt sụt giảm tương tự cho thấy, nhà đầu tư rời bỏ thị trường sớm giai đoạn này thường quay lại với mức giá cao hơn sau khi thị trường hồi phục.
“Thị trường ít khi có mức điều chỉnh lớn hơn 12%. Ngay cả trong tháng 7/2021, khi Việt Nam phải đóng cửa gần như toàn bộ nền kinh tế, thị trường giảm không quá 13%”, Dragon Capital dẫn chứng. Sau phiên 18/8, VN-Index đã giảm hơn 6% từ đỉnh gần nhất, theo đó chỉ số của HoSE có thể chỉ giảm thêm một vài phiên trước khi tìm được điểm cân bằng.
Về chính sách vĩ mô, Dragon Capital cho rằng, trong vài ngày qua, thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước cũng như Chính phủ đã rất rõ ràng về chính sách tiền tệ: lãi suất phải tiếp tục giảm và cung tín dụng phải tăng. Trong giai đoạn Trung Quốc có dấu hiệu giảm phát, lạm phát Việt Nam ở mức thấp, những biến động nhẹ và ngắn hạn về tỷ giá sẽ khó có khả năng ảnh hưởng lên xu hướng của chính sách tiền tệ Việt Nam.
Về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp, quý I có thể là quý có kết quả kém nhất, và hiện nay xu hướng đang trong chiều hướng tích cực.
“Chu kỳ lợi nhuận một số ngành đang vào khu vực đáy, do đó xét theo tiêu chí P/E có thể sẽ không phản ánh hết được về định giá doanh nghiệp”, nhóm phân tích nhận xét.,
Chung đánh giá với Dragon Capital, ông Huỳnh Hoàng Phương cho rằng phiên giao dịch 18/8 giảm sâu nên thị trường sẽ điều chỉnh nhanh hơn giai đoạn giảm lần lượt trước đó. Ông kỳ vọng thị trường sẽ bắt đầu phục hồi ngay từ tuần tới.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta cũng đánh giá thị trường có thể còn giảm tiếp trong đầu tuần tới, nhưng nhịp điều chỉnh này sẽ sớm kết thúc do biên độ giảm đã đủ lớn.
Từ đầu năm đến nay, thị trường đã trải qua một nhịp điều chỉnh chậm trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4. VN-Index giảm đều với biên độ hẹp, nên thời gian của nhịp điều chỉnh kéo dài. Tuy nhiên, cũng là nhịp điều chỉnh nhưng phiên 18/8 lại diễn ra với biên độ mạnh hơn rất nhiều. Một loạt cổ phiếu giảm hết biên độ, còn chỉ số ghi nhận mức giảm hơn 4%.
“Việc xác định xem thị trường giảm bao nhiêu là điều rất khó, nhưng tôi kỳ vọng vào hai vùng 1.160 điểm và 1.125 điểm. Hai ngưỡng hỗ trợ này tương ứng VN-Index có thể giảm thêm 1-2 phiên rồi sẽ tìm được điểm cân bằng”, ông Minh nhận xét.
Minh Sơn
Theo vnexpress