Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành trong năm nay nhằm hạ mặt bằng chi phí cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt bằng lãi suất huy động giảm dần gần đây được kỳ vọng tác động tích cực lên lãi suất cho vay. Song, lãi suất cho vay luôn có độ trễ, nhất là khi tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay chậm, các ngân hàng chưa thể tiêu thụ hết nguồn vốn huy động lãi suất cao trước đó.
Lãi suất cho vay sẽ bắt đầu giảm mạnh
Trao đổi với VnBusiness về nguyên nhân lãi cho vay còn neo cao, TS Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, nợ xấu ngân hàng tăng cao trong 6 tháng đầu năm nay, tăng gần như gấp đôi tỷ lệ nợ xấu của chu kỳ trước đây. Khi đó, tiền ngân hàng cho vay không thu hồi về được để cho vay tiếp, khiến tín dụng khả dụng ở mức rất thấp nên lãi suất cho vay chưa thể giảm.
Trong khi chính sách tiền tệ đang được thực hiện khá quyết liệt thì chính sách tài khóa vẫn chưa được thực thi đúng mức. |
“Lãi cho vay chưa thể giảm còn là bởi trong chu kỳ 3-4 tháng trước đó, ngân hàng đã huy động vào với lãi suất khá cao. Các doanh nghiệp mong muốn lãi suất cho vay thấp hơn, song điều này vẫn chưa thể khả thi”, ông Nghĩa nói.
Theo quan điểm của chuyên gia này, chính sách tiền tệ của Việt Nam bắt đầu chuyển sang hướng hỗ trợ phục hồi, lãi suất tiền gửi đã giảm sâu nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao. Ông Nghĩa lấy ví dụ: một doanh nghiệp trong lĩnh vực điện mặt trời vẫn phải trả lãi suất đi vay lên tới 17%/năm và mới chỉ được ngân hàng hứa giảm xuống 14%/năm vào tháng 9 này.
“Nếu trừ 4% lạm phát thì lãi suất thực là 10%, không có nước nào trên thế giới có lãi suất thực khủng khiếp như vậy”, ông nhấn mạnh.
Chuyên gia này nhận định, một trong những nguyên nhân khiến lãi suất vẫn đang khá cao là do ngành ngân hàng phải dè chừng biến động tỷ giá. Tuy vậy, có 3 yếu tố để thấy tỷ giá năm nay giảm, USD khó “sốt” trở lại và Ngân hàng Nhà nước có thể có thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành hơn nữa.
Theo đó, chỉ số USD Index đã giảm từ mức 115 điểm cuối năm ngoái còn 102 điểm và có thể giảm thêm về ngưỡng 100 điểm. USD Index khó tăng trở lại trong bối cảnh thế giới đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay.
Ngoài ra, giá hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng, nhất là giá nhiên liệu gây áp lực với tỷ giá, song Bộ Tài chính vẫn còn dư địa để can thiệp (thuế, phí xăng dầu). Đồng thời, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn dương.
TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP HCM cũng cho rằng, lãi suất cho vay sẽ bắt đầu giảm mạnh trong thời gian tới vì nguồn vốn giá rẻ đã bắt đầu về nhiều, tạo dư địa cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhanh hơn. Bên cạnh đó, hiện nay, hiện tượng thừa vốn cũng đang xảy ra ở các ngân hàng lớn, điều này buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất và đưa ra các chương trình khuyến mãi để gia tăng tốc độ giải ngân, tránh việc nguồn vốn dư thừa làm gia tăng chi phí hoạt động.
Chính sách tài khóa vẫn chưa được thực thi đúng mức
Tuy nhiên, ông Nghĩa lưu ý, quan trọng ở thời điểm hiện tại không chỉ là vấn đề lãi suất, mà còn là cung tiền (M2). Hiện nay, tăng trưởng cung tiền đang rất thấp so với GDP tính theo giá hiện hành.
Theo đó, TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên tăng cung tiền cho vay vào những lĩnh vực có thể tạo ra những cầu nội địa lớn, ví dụ như bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, bán lẻ để kích thích cầu tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, cần phối hợp nhịp nhàng chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa.
“Chính sách giảm thuế VAT vừa được thực hiện sẽ tạo ra một nguồn thu và giảm bớt căng thẳng về dòng tiền cho các doanh nghiệp”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại trong thời gian qua nhưng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm nay và những năm tiếp theo, trong đó chính sách tài khóa là động lực chính. Cụ thể, sau khi đạt mức tăng trưởng chỉ 3,7% trong nửa đầu năm nay, WB dự báo Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 4,7% cho cả năm 2023, sau đó tăng dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025.
Theo WB, chính sách tài khóa chủ động hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, loại bỏ các hạn chế đối với việc thực hiện đầu tư công và giải quyết các điểm nghẽn cơ sở hạ tầng có thể giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu này và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa có thể đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc khuyến khích thực hành và tiêu dùng xanh, góp phần xây dựng môi trường bền vững.
Còn theo ý kiến của TS Nguyễn Hữu Huân, trong khi chính sách tiền tệ đang được thực hiện khá quyết liệt thì chính sách tài khóa đang vẫn chưa được thực thi đúng mức, bằng chứng là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn khá thấp so với kế hoạch đề ra đầu năm. Thủ tướng Chính phủ đã phải có ý kiến đôn đốc chỉ đạo để đẩy nhanh tốc độ này hơn với tinh thần “ai không làm, sợ trách nhiệm thì đứng qua một bên”.
“Trong tình huống hiện tại, với đặc điểm một nền kinh tế có chế độ tỷ giá tương đối ổn định và có độ mở lớn như Việt Nam, theo mô hình Mulldel-Flemming, tôi cho rằng Chính phủ cần phải tập trung hơn nữa về chính sách tài khóa để giúp cho nền kinh tế phục hồi tốt hơn”, ông Huân nói.
Theo chuyên gia này, chính sách tài khóa vẫn nên duy trì theo hướng nới lỏng, tăng chi tiêu Chính phủ, giảm thuế, đặc biệt là cân nhắc giảm thêm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để kích thích và tăng tổng cầu trong nền kinh tế.
“Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần lưu ý về hiện tượng lấn át, tức là khi chi tiêu công tăng mạnh lại lấn át khu vực tư nhân dẫn đến cầu tư nhân giảm và hệ quả là tổng cầu không thay đổi (cầu khu vực công tăng nhưng cầu khu vực tư nhân lại giảm). Do vậy, bên cạnh đẩy mạnh chi tiêu công thì vẫn cần duy trì các chính sách hỗ trợ thuế, giảm thuế cho khu vực tư nhân để tiếp tục kích cầu ở khu vực này”, ông Huân nhấn mạnh.
Thanh Hồng
Theo vnbusiness