Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Chính phủ đã hoàn thành việc định giá ba ngân hàng mua bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5/2024, hoàn thành chuyển giao bắt buộc trong năm 2024.
Sáng nay (20/5), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình báo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Tại báo cáo cho biết Chính phủ đã “hoàn thành việc định giá ba ngân hàng mua bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5/2024, hoàn thành chuyển giao bắt buộc trong năm 2024”.
Hiện đang có 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CBBank), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank).
4 ngân hàng sẽ nhận chuyển giao bao gồm Vietcombank, MB, VPBank và HDBank. Cả 4 ngân hàng này đều đã trình cổ đông phương án nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém. Trong đó, CBBank sẽ về với Vietcombank. Oceanbank đang nhận hỗ trợ từ MBBank. DongABank và GPBank nhiều khả năng sẽ về với hai ngân hàng HDBank và VPBank.
Tại ĐHĐCĐ vừa qua, lãnh đạo Vietcombank cho biết dự kiến ngân hàng sẽ nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém ngay trong năm 2024. Về hỗ trợ cho CBBank, lãnh đạo ngân hàng tiết lộ: “Từ 2015, Vietcombank đã hỗ trợ về kỹ thuật cho CBBank. Năm 2022, Vietcombank đã cho vay 10.000 tỷ đồng và 6.700 tỷ đồng vào năm 2023”.
Trong ĐHĐCĐ 2024, Tổng Giám đốc MB cũng nói về tiến độ nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém: “MB đã xong đề án và trình lên Chính phủ, NHNN và đang được xử lý tại NHNN để trình lên Chính phủ. Chúng tôi kỳ vọng tiến độ có thể hoàn thành trong năm 2024 hoặc trong năm 2025.
“Nếu xong chương trình này, chúng ta sẽ có không gian để mở ra để phát triển MB trong giai đoạn 5 năm tới”, ông nói thêm.
Ngoài thông tin về tiến độ xử lý các ngân hàng yếu kém, Phó Thủ tướng còn thông tin thêm rằng đề án cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam được triển khai và đạt kết quả bước đầu .
Theo đó, “tình hình tài chính đã được cân đối, lỗ lũy kế, nợ có xu hướng giảm. Tính đến ngày 30/4/2024, số lỗ lũy kế đã giảm 20%; nợ xấu tín dụng chịu rủi ro đã giảm 37,7% (giảm 15.000 tỷ). Bộ máy tổ chức đã tinh giản còn 30 đầu mối, giảm 35%”, báo cáo cho biết.