Cách đây hơn 1 tháng, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô – chủ đầu tư dự Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (được biết đến với tên Cocobay Đà Nẵng), từng gây xôn xao dư luận khi thông báo siêu dự án này sẽ được tái triển khai vào khoảng đầu tháng 5.
Thị trường thiếu đột phá
Trong báo cáo được đưa ra, Thành Đô nêu rõ là công tác chuẩn bị đang được gấp rút thực hiện và công ty cũng đưa ra kế hoạch triển khai các hạng mục với nhiều mốc thời gian dự kiến khác nhau, kéo dài từ tháng 4/2024 đến tháng 1/2029.
Kế hoạch được đưa ra gây dậy sóng, với những quyết định từng gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên đến hết thượng tuần tháng 5, theo ghi nhận, dự án vẫn trong tình trạng im ắng, cổng vào được quây kín bằng các hàng rào tôn, bên trong cỏ mọc hoang, các loại vật liệu gỉ sét chất đống, chỉ một số ít công nhân qua lại.
Cocobay Đà Nẵng từng là “siêu dự án” đình đám, được hoàn thiện 1 phần và đưa vào khai thác từ năm 2017. Đến năm 2019 thì “vỡ trận” ở phân khúc condotel với những vấn đề về tiền bạc, đồng thời chủ đầu tư có thông báo chấm dứt việc chi trả lợi nhuận cam kết 12%/năm.
Bất động sản Đà Nẵng vẫn đang đối diện nhiều thách thức về thanh khoản. |
Những diễn biến tại dự án Cocobay Đà Nẵng trong những ngày đầu tháng 5, sau thông tin tái khởi động gây nhiều chú ý, đang phần nào tương đồng với diễn biến chung trên thị trường bất động sản TP.Đà Nẵng thời gian qua.
Cụ thể, theo khảo sát, dù có nhiều điểm sáng sau gần 2 năm chìm trong ảm đạm, hầu hết các phân khúc trên thị trường bất động sản Đà Nẵng chưa thực sự bứt phá. Đặc biệt, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang trong tình trạng gần như “tê liệt”.
Minh chứng, theo báo cáo mới đây của DKRA, suốt 3 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và vùng ven tiếp tục không ghi nhận bất cứ nguồn cung mới nào ở cả 3 phân khúc biệt thự, nhà phố/shophouse và condotel. Sản phẩm đang mở bán hều hết đến từ các dự án cũ.
Ở chiều ngược lại, thị trường cũng không ghi nhận thêm bất cứ giao dịch nào. Các chuyên gia tại DKRA cho biết dù du lịch có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên, việc hàng loạt dự án bỏ hoang, chưa có dấu hiệu đưa vào khai thác sử dụng đã gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.
Khó vực dậy trong ngắn hạn
Tương tự, phân khúc đất nền tại Đà Nẵng cũng chưa thực sự bật tăng trở lại, dù lượng quan tâm đã được cải thiện đáng kể. Đơn cử như ở Hòa Vang, đất nền trong khu vực sau thời gian nhảy múa nay bị đứt quãng, thanh khoản ảm đạm kéo dài gần 2 năm qua.
Chia sẻ với VnBusiness, anh Huỳnh Bá Phú, môi giới được mệnh danh như “thổ địa” tại Đà Nẵng, cho hay thị trường đất nền Hòa Vang bắt đầu rơi vào cảnh đìu hiu trong hơn 1 năm qua. Cò đất rời đi, nhiều nhà đầu tư “lên chuyến tàu cuối”, chưa kịp thoát hàng, nay đối diện nguy cơ “chết trên đống tài sản”.
Không chỉ tại Hòa Vang, nhiều khu vực tại Đà Nẵng cũng rơi vào cảnh tương tự. Như tại Ngũ Hành Sơn, tình hình giao dịch bất động sản trên địa bàn hiện rất ảm đạm, chỉ bằng 5 – 10% so với trước dịch.
Hay tại quận Cẩm Lệ, nhiều khu vực đất nền phân lô đang giảm 500 – 700 triệu đồng/lô so với thời đỉnh sốt. Giá phổ biến cho các lô đất có đường lớn hai ô tô tránh nhau vào khoảng trên dưới 3 tỷ đồng, một số nhà đầu tư có nhu cầu thoát hàng giảm còn 2,5 – 2,8 tỷ đồng/lô vị trí đẹp.
Điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh bất động sản Đà Nẵng thời hậu khủng hoảng có chăng đang diễn ra tại phân khúc căn hộ chung cư. Quý I/2024, giá căn hộ sơ cấp tại Đà Nẵng đạt trung bình 50-80 triệu đồng mỗi m2, tiếp tục tăng 1-3% so với cuối năm ngoái, theo công ty nghiên cứu thị trường Avison Young.
Giá tăng, tuy nhiên, cũng giống như diễn biến tại Hà Nội và TP.HCM, nguồn cung căn hộ tại Đà Nẵng có xu hướng sụt giảm trong những tháng đầu năm nay. Các sản phẩm trên thị trường hầu hết đến từ các dự án cũ.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam, cho rằng hiện trạng nhiều dự án nhà ở tại Đà Nẵng vẫn còn dở dang, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung tại khu vực là bởi chủ đầu tư thiếu vốn, khó thu hút dòng tiền, cùng đó là ách tắc pháp lý liên quan phê duyệt dự án mới.
Báo cáo tình hình bất động sản Quảng Nam – Đà Nẵng năm 2023 và nhận định năm 2024 của đơn vị nghiên cứu thị trường SPE.R mới đây cũng nhận định, bất động sản Đà Nẵng đang sống dựa vào điểm tựa “nhu cầu ở thực”.
Các dòng sản phẩm như shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng, condotel vẫn sẽ tiếp tục gặp khó trong thanh khoản. Riêng với các sản phẩm condotel, nhiều chủ đầu tư không tiếp tục cam kết trả lãi khiến nhiều nhà đầu tư phải gồng lỗ, “giữ không nổi, bán chẳng xong”.
Với những diễn biến từ thực tế, giới chuyên gia dự báo thị trường bất động sản Đà Nẵng khó lòng có bứt phá trong ngắn hạn, ít nhất là đến cuối năm 2024. Sản phẩm có tiềm năng cải thiện lớn về thanh khoản sẽ là đất nền thứ cấp giá phải chăng.
“Thị trường bất động sản Đà Nẵng nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì trạng thái đi ngang vùng đáy cho đến hết quý II/2024, do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư về diễn biến tình hình chính trị, kinh tế thế giới và những tác động tiêu cực có thể xảy ra với nền kinh tế trong nước. Ngoài ra, thị trường đang chờ đợi các quy định cụ thể hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản mới để hình thành chiến lược đầu tư trong chu kỳ mới”, một chuyên gia nhấn mạnh.
Nhật Minh