Ngành sầu riêng còn cần điều chỉnh
Sầu riêng chính thức gia nhập câu lạc bộ tỷ đô khi xuất khẩu 7 tháng đầu năm nay đã thu về 1,1 tỷ USD, vượt qua thanh long để vươn lên chiếm vị trí top đầu. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, việc tổ chức thị trường xuất khẩu sầu riêng vẫn còn khá nhiều vấn đề phải điều chỉnh.
Diện tích sầu riêng tăng nhanh trong 5 năm trở lại đây, nhiều nơi quy hoạch bị phá vỡ. Đó là lo ngại đầu tiên trong phát triển loại nông sản này.
Tính đến cuối năm 2022, cả nước có trên 110.000 ha sầu riêng, tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Ben cạnh lo ngại về phát triển nóng, quy mô sản xuất của ngành sầu riêng còn nhỏ lẻ, ít vùng sản xuất tập trung, chưa có sự liên kết chặt chẽ từ vùng trồng đến thị trường, kéo theo đầu ra cho sầu riêng thường không ổn định.
Thu hoạch sầu riêng ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk. (Ảnh: TTXVN)
Nhiễu loạn giá sầu riêng
Một biểu hiện dễ thấy nhất của sự không ổn định đầu ra mặt hàng sầu riêng chính là hiện tượng tranh mua sầu riêng đang diễn ra tại nhiều vùng trồng. Ví dụ tại miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa – một trong những vùng trồng sầu riêng có tiếng của cả nước, giá thu mua sầu riêng liên tục biến động. Chỉ trong vòng 1 – 2 tuần, giá sầu riêng đã tăng gấp đôi và hiện tại ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Tại miền núi Khánh Sơn, thời điểm này chỉ mới là đầu mùa thu hoạch sầu riêng, nhưng hàng loạt vựa thu mua đã mở cửa. Vựa nào cũng ráo riết tung người khắp các nhà vườn, khi chốt giá, đặt tiền cọc, lúc lại mua gom sầu riêng ngay tại vườn.
Giá sầu riêng liên tục tăng, từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, hiện đã lên đến 80.000 – 90.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.
“Giá bên thị trường Trung Quốc như thế nào thì mình không biết, nhưng tại thị trường Việt Nam, 80 thì bắt 80, 85 thì bắt 85”, ông Huỳnh Đức Bình, vựa thu mua sầu riêng, chia sẻ.
Với diện tích trên 2.500 ha, tương ứng với sản lượng mỗi năm 15.000 tấn, Khánh Sơn đang là một trong những vùng sầu riêng được thương lái săn đón. Một phần sầu riêng ở đây ngon có tiếng. Mặt khác, 4 mã vùng trồng đã được cấp cho vùng sầu riêng Khánh Sơn để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Trong bối cảnh chung, nhiều vùng sầu riêng bị ảnh hưởng năng suất do thiên tai nên nhiều doanh nghiệp dồn về vùng sầu riêng Khánh Sơn nhằm gom đủ hàng xuất khẩu.
Tình trạng tranh mua đã xảy ra. Thương lái này trả giá cao hơn thương lái khác. Do đó, giá sầu riêng liên tục tăng.
“Đẩy giá lung tung, người đẩy giá này, người đẩy giá kia. Đẩy giá lên bắt buộc phải mua tại vựa đang thiếu hàng. Có nhiều vựa mua giá rẻ nhưng đủ số lượng. Còn với nhiều vựa chưa đủ số lượng xuất khẩu, giá cao cũng bắt buộc phải mua”, anh Tôn Kim Bảo, vựa thu mua sầu riêng, cho biết.
Đáng lo ngại hơn là hệ lụy kéo theo về mặt chất lượng sầu riêng. Một số nhà vườn thấy giá cao nên vội vàng bán non.
“Lẽ ra phải 20 ngày nữa mới cắt mà giờ cắt sớm nên bị non. Mua 1 tấn mà bị đến 2,8 tạ hàng non. Hàng đúng tuổi thì hơn 70.000 đồng/kg. Còn hàng non chỉ 10.000 đồng/kg”, bà Phạm Thị Huệ, xã Sơn Lâm, Khánh Sơn, Khánh Hòa, cho hay.
Lúc này, các doanh nghiệp lao theo cơn sốt giá, chịu áp lực giá mua vào ở mức cao. Trong khi đó, không ai dám chắc khi xuất hàng đi, giá có còn giữ được như vậy hay không. Vì vậy, thị trường xuất khẩu sầu riêng chính ngạch khó ổn định khi ngay ở khâu thu mua, giá cả đã nhiễu loạn.
Ổn định thị trường xuất khẩu sầu riêng
Như vậy, hiện tượng tranh nhau gom hàng sầu riêng, xuất phát từ nguyên nhân sản lượng sầu riêng năm nay sụt giảm do ảnh hưởng thời tiết, trong khi nhu cầu sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc lại tăng mạnh. Trước hiện tượng tranh mua gom sầu riêng, câu hỏi đặt ra lúc này là làm thế nào để ổn định thị trường xuất khẩu sầu riêng ngay từ vùng trồng?
Một thực tế dễ thấy, tranh mua sầu riêng, kéo theo cơn sốt giá là điều hết sức bất lợi đối với nhiều doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Để gom đủ lượng hàng theo hợp đồng xuất khẩu, doanh nghiệp buộc phải lao theo cơn sốt giá và như vậy, dễ gặp phải rủi ro.
Còn về phía nông dân, khi thương lái đến hỏi mua, thấy giá cao thì vội vàng chốt giá, nhưng hầu như quên mất một điều rằng chốt giá là một chuyện, còn thu hoạch thực tế lại là chuyện khác.
“Người ta chốt giá cao, nhưng khi thu hoạch, không biết có thu hết hay không. Đó là điều gây khó khăn cho người dân. Chúng tôi khuyến cáo người dân bình tĩnh và nên có hợp đồng khi chốt giá”, ông Đỗ Nhi Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa, cho biết.
Thu mua sầu riêng ở huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng). (Ảnh: TTXVN)
Những gì xảy ra ở vùng sầu riêng Khánh Sơn năm nay, một phần xuất phát từ thực tế. Đó là cho đến lúc này, dù Khánh Sơn có 145 ha sầu riêng được cấp 4 mã vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, nhưng lại chưa có cơ sở được cấp mã đóng gói.
Vườn sầu riêng 22 ha của Công ty TNHH Nông nghiệp Thành Hưng được cấp mã vùng trồng từ năm ngoái. Để được cấp mã vùng trồng, doanh nghiệp phải tuân thủ quy trình sản xuất khá nghiêm ngặt, nhất kiểm soát về thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên để xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp phải thông qua một doanh nghiệp khác có mã đóng gói.
“Những cố gắng bỏ ra , mình đã có mã xuất khẩu nhưng lại không được xuất trực tiếp. Rất mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện để có mã đóng gói”, bà Nguyễn Thị Vinh Hằng, Công ty TNHH Nông nghiệp Thành Hưng, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa, nói.
Như vậy, yêu cầu đặt ra lúc này là cùng với giữ ổn định diện tích theo quy hoạch, những vùng trồng sầu riêng phải tổ chức tiêu thụ theo hướng gắn kết giữa doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu sầu riêng với nông dân canh tác ở những vùng trồng đã được cấp mã số.
“Tạo điều kiện cho doanh nghiệp gặp các tổ hợp tác để có sự liên kết, có tiếng nói chung, có hướng làm ăn lâu dài. Doanh nghiệp có chính sách với nông dân. Nông dân cam kết với doanh nghiệp tạo ra sản phẩm đáp ứng xuất khẩu lâu dài, chất lượng mẫu mã phải đảm bảo theo quy chuẩn của nước nhập khẩu”, ông Đỗ Nhi Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa, nhận định.
Mặc dù theo dự báo, lượng sầu riêng nhập khẩu của Trung Quốc năm nay có thể vượt hơn 1 triệu tấn, nhưng việc xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc có sự cạnh tranh giữa nhiều nước Đông Nam Á.
Yêu cầu cấp thiết lúc này là phải tránh nhiễu loạn thị trường ngay ở khâu thu mua cũng như tạo ra chuỗi ngành hàng bền vững, giảm được chi phí, giảm giá thành. Khi đó, chúng ta mới tăng được sức cạnh tranh cho mặt hàng sầu riêng.
Theo CafeF