Trump muốn đánh thuế diện rộng lên hàng Trung Quốc trong khi Biden chỉ chọn lọc sản phẩm then chốt.
Hơn 6 năm trước, khi Donald Trump lần đầu tiên công bố áp thuế hàng hóa Trung Quốc, sự kiện giống như một quả bom phát nổ. Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trước nỗi lo chiến tranh thương mại, doanh nghiệp cảnh báo về tác động ngược và các nhà kinh tế thi nhau chỉ trích.
Tuy nhiên, việc ông Joe Biden công bố áp thuế 18 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hôm 14/5 lại ít gây hoang mang hơn, dù mức thuế cao hơn đáng kể. Những lời phản đối từ doanh nghiệp Mỹ hầu như không còn.
Thời Trump, nhiều người vẫn thấy hứa hẹn ở thị trường Trung Quốc. Nhưng hy vọng ngày càng bé lại bởi mối quan hệ lạnh nhạt giữa hai siêu cường và thách thức ngày càng tăng từ các công ty Trung Quốc. Những người tin vào thương mại tự do – đặc biệt là với Trung Quốc – biến mất ở Washington, theo The Economist.
Cùng là quyết định đánh thuế, không chỉ thái độ của doanh nghiệp và chuyên gia thay đổi mà chính chiến lược của Trump và Biden khác nhau.
Đầu tiên, so với Trump, các mức thuế mới của Biden có mục tiêu hơn và ấn tượng hơn, theo The Economist. Cụ thể, theo thời gian, thuế quan của Trump bao trùm tổng cộng hơn 350 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, chủ yếu ở mức 25%.
Thuế của Biden áp cho hàng nhập khẩu trị giá khoảng 18 tỷ USD nhưng ở mức cao hơn đáng kể. Nhiều sản phẩm “made in China” như xe điện, chip máy tính và y tế chịu thuế đến 25-50%, riêng thuế xe điện tăng 4 lần, lên hơn 100%.
Do đó, tác động không phải đối với dòng chảy thương mại hiện tại mà là tiềm năng trong tương lai. Ví dụ, ở châu Âu, ôtô do Trung Quốc sản xuất chỉ chịu mức thuế khiêm tốn là 10% nên đã chiếm lĩnh gần 25% thị trường xe điện. Ngược lại, ở Mỹ, có rất ít xe điện do Trung Quốc sản xuất trên đường. Mức thuế cực cao của Biden nhằm đảm bảo điều đó được duy trì thời gian tới.
Lý do khác biệt đến từ động lực đánh thuế. Khi còn là ông chủ Nhà Trắng, Trump đánh thuế hàng Trung Quốc diện rộng với lý do trừng phạt nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và ép họ mua nhiều hàng Mỹ hơn, đặc biệt là nông sản.
Còn với Biden, sau khi rà soát và quyết định giữ nguyên các lệnh áp thuế của Trump, ông bổ sung thêm gói thuế cho 18 tỷ USD hàng hóa với mục đích bảo vệ các ngành công nghiệp non trẻ của quốc gia.
Lael Brainard, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ cho rằng quyết định của ông Biden sẽ tạo ra “một sân chơi bình đẳng trong các ngành quan trọng đối với tương lai” của đất nước.
Dưới thời Biden, chính phủ Mỹ đang chi hàng trăm tỷ USD để xây dựng ngành sản xuất xe điện, chất bán dẫn, pin. Các nhà máy đã bắt đầu mọc lên nhưng sẽ phải mất vài năm nữa để các dây chuyền sản xuất mới thực sự đi vào hoạt động. Vì thuế, cần áp thuế để “câu giờ” cho họ.
“Chúng tôi không tìm cách thống trị toàn cầu về sản xuất trong các lĩnh vực này, nhưng chúng tôi tin rằng đây là những ngành chiến lược và để phục hồi chuỗi cung ứng nên chúng tôi muốn đảm bảo rằng mình có các công ty khỏe mạnh và năng động”, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết.
Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay, cách đánh thuế của Biden và Trump nhìn có điểm giống nhưng chiến thuật khác biệt.
Ông Trump tự mô tả mình là “Tariff Man” (Người đàn ông thuế quan) và các cố vấn của ông đang cân nhắc mức thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ và tăng thêm thuế tất cả hàng hóa từ Trung Quốc, có thể lên tới 60%.
Trong khi đó, các trợ lý Biden nói họ cố gắng phân biệt rõ ràng giữa các loại “thuế quan bừa bãi” và sử dụng các rào cản thương mại một cách có chiến lược. Họ cho rằng nên tập trung vào việc bảo vệ sản xuất năng lượng sạch trong nước.
Cố vấn Kinh tế Quốc gia Lael Brainard mô tả cách tiếp cận của Biden “trái ngược với các đề xuất áp đặt mức thuế tổng thể lên tất cả hàng hóa từ mọi quốc gia, sẽ làm tăng chi phí thêm 1.500 USD hàng năm với mỗi gia đình Mỹ”.
Các cố vấn thân cận với Trump nhấn mạnh rằng các kế hoạch chính sách vẫn đang trong quá trình phát triển và xem xét. Ông Trump dành nhiều quan tâm đến thuế xe điện. Ông cho rằng chỉ đánh thuế xe từ Trung Quốc là đủ mà cần áp lên cả Mexico. “Tôi sẽ đánh thuế 200% với mọi ôtô xuất xưởng từ những nhà máy đó (Mexico)”, ông nói tại một cuộc vận động tranh cử ở New Jersey cuối tuần trước.
Một số đảng viên Dân chủ cũng thúc giục ông Biden có lập trường tương tự Trump. Họ lo ngại các công ty Trung Quốc lẩn tránh thuế bằng cách vận chuyển ôtô qua Mexico để vào Mỹ. “Thuế quan là chưa đủ. Chúng ta cần cấm xe điện Trung Quốc vào Mỹ”, Thượng nghị sĩ Sherrod Brown nói tuần trước.
Nhưng theo Politico, quan điểm của Trump có rủi ro là dẫn đến leo thang lớn trong xung đột thương mại với cả Bắc Kinh và Mexico City – hai đối tác thương mại lớn hàng đầu của Mỹ, đồng thời ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng ôtô trên khắp lục địa.
Vì vậy, tạp chí này cho rằng quyết định của Biden có chiến thuật hơn, vốn được cho là sẽ chỉ có tác động nhẹ với nền kinh tế Mỹ. Bởi hiện Mỹ nhập khẩu tương đối ít xe điện hoặc các sản phẩm khác chịu thuế trực tiếp từ Trung Quốc. Trong khi đó, họ mua khoảng 2,6 triệu ôtô từ Mexico mỗi năm. Nếu tất cả những chiếc ôtô đó đều bị áp thuế, giá xe ở Mỹ “sẽ tăng rất cao”, theo Ed Gresser, cựu trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ về chính sách thương mại và kinh tế.
Để Mỹ vượt lên trên Trung Quốc về kinh tế nói chung, ông Biden đặt cược vào các khoản đầu tư của chính phủ cho nhà máy sản xuất xe điện, chip máy tính và các công nghệ tiên tiến khác, song song với áp thuế hàng nhập khẩu.
Ông Trump thì nói rằng Mỹ đang ngày càng tụt hậu so với Trung Quốc khi không đặt cược vào dầu mỏ để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, bất chấp rủi ro biến đổi khí hậu. Cựu tổng thống cho là thuế quan có thể thay đổi hành vi của Trung Quốc, nhưng ông tin Mỹ sẽ phụ thuộc vào nước này về linh kiện xe điện và pin mặt trời.
“Kế hoạch kinh tế của Joe Biden là làm cho Trung Quốc trở nên giàu có và nước Mỹ nghèo đi”, Trump nói tại một cuộc vận động tranh cử tháng này ở Wisconsin.
Phiên An (theo AP, The Economist, Politico)
https://kinhtengoaithuong.vn/kinh-doanh