Bốn mùa mây mù giăng kín, xã Hồng Thái là khu vực cao nhất của huyện Na Hang với độ cao hơn 1000m so với mặt nước biển. Có được điều kiện thiên nhiên ưu đãi nhưng từ trước năm 2010, hầu như người dân chưa biết tận dụng. Xã Hồng Thái có thể trở thành vựa rau ôn đới thu nhỏ hay không, HTX nông nghiệp Tân Hợp vẫn đang trên hành trình tìm câu trả lời.
Thay đổi tư duy sản xuất
HTX Tân Hợp thành lập năm 2014 với 7 thành viên và 20 hộ liên kết. Trong 5 năm hoạt động sản xuất kinh doanh, HTX gặp vô vàn khó khăn bởi các thành viên 100% là người dân tộc thiểu số, nhiều người trình độ văn hóa thấp…
Trước đây, đồng bào chủ yếu sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, nên các sản phẩm thiếu đa dạng, đời sống bấp bênh, nhiều gia đình ăn ngô, ăn cháo quanh năm. Song, ngay từ khi ra đời, HTX đã tuyên truyền cho bà con mô hình kinh tế hợp tác, tham gia HTX sẽ được hỗ trợ về giống, kỹ thuật, đầu ra…
Theo Giám đốc HTX Đàng Đức Hầu, thay đổi tư duy sản xuất của người dân tộc vùng cao là điều vừa khó, vừa dễ. Tâm lý của người dân ngại thay đổi, nếu chỉ nói suông những kiến thức mới, xa lạ thì bà con không nghe. Vì vậy, anh đã bắt tay vào làm, cào đất, vun trồng, mang rau đi bán được giá cao. Bà con thấy hiệu quả hơn trồng ngô, trồng lúa nên đồng loạt đăng ký tham gia.
Được ra ngoài, va chạm với cuộc sống nên anh Hầu nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường. Anh định hướng người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ trồng ngô, lúa sang trồng rau trái vụ, rau ôn đới theo hướng an toàn.
“Hiện nay, các siêu thị, thương lái, người tiêu dùng rất cẩn thận, bởi họ biết có tiền cũng không mua được sức khỏe. Sức khỏe là trên hết. Vì vậy, các thành viên, HTX phải cam kết thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật chăm sóc, nếu phát hiện gian lận, HTX sẽ phạt, hủy không bao tiêu.
Hiện nay, tổng diện tích canh tác chỉ có 10ha, dù quy mô ít nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hướng đến các sản phẩm sạch, an toàn”, Giám đốc Đàng Đức Hầu tâm sự.
Giám đốc HTX Đàng Đức Hầu kiểm tra vườn rau. |
Thời điểm cuối xuân, khi nông dân dưới xuôi đang tất bật chuẩn bị gieo, cấy rau vụ hè thì nông dân xã Hồng Thái vẫn thảnh thơi trồng cải bắp, su hào, bí thơm, lãi hơn rau chính vụ gấp vài lần.
Chị Lý Thị Kiều, thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái cho biết trồng rau an toàn cầu kỳ hơn so với cách làm truyền thống. Nếu như trước kia, phân gia súc bón thẳng cho rau thì giờ đây nông dân phải ủ hoai mục 30-40 ngày mới được bón lót, dùng vôi bột khử trùng đất, pha loãng rượu ngâm tỏi, ớt để trừ sâu. Kỳ công chăm sóc, nhưng đổi lại người nông dân có những luống rau tươi an toàn, bán được giá cao nên ai cũng phấn khởi.
“Ở đây, chúng tôi trồng được rau cải quanh năm. Mình trồng nhiều để bán cho HTX và phục vụ khách du lịch. Khách vào ăn khen rau ở đây ngọt, mềm hơn, mình cũng vui.
Biết là dùng thuốc trừ sâu thì nhanh hơn nhưng sinh bệnh trong người. Mình trồng rau cho dân mình ăn nên chỉ dùng phân hữu cơ, không làm tổn thương sức khỏe”, chị Kiều nói.
Nghề chính của người dân xã Hồng Thái là trồng rau, trồng chè. |
Xóa nghèo, vươn lên làm giàu
Không chỉ quan tâm đến việc thay đổi tư duy sản xuất của người dân, HTX Tân Hợp còn mạnh dạn xúc tiến thương mại với các siêu thị, hợp tác với các “ông lớn” trong ngành bán lẻ.
Sản phẩm rau, củ, quả của HTX Tân Hợp đang được chuỗi siêu thị Vinmart Tuyên Quang, cửa hàng thực phẩm sạch Hà Nội nhận bao tiêu, thu mua. Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp cho siêu thị khoảng 3 tấn rau với giá từ 10.000 – 20.000 đồng/kg tùy loại.
Nông sản được tập kết, HTX thu mua và bán lẻ cho khách du lịch. |
Đeo gùi rau nặng đến điểm tập kết, chị Đàng Thị Lún, thôn Nà Giáo, xã Hồng Thái phấn khởi khoe một mình chị vừa chăm con nhỏ, vừa chăm vườn rau, mỗi tháng cũng thu được 2-3 triệu đồng.
“Từ khi có HTX, rau củ thu hoạch xong không phải đi bộ vài km mang ra thị trấn bán nữa, chỉ cần tập kết, HTX bao tiêu cho hết. Bây giờ có HTX cấp giống, bao tiêu cho thì mình không phải lo gì cả, chỉ lo làm không đủ bán thôi”, chị Lún chia sẻ.
Theo Giám đốc HTX Đàng Đức Hầu, với quy mô 7 ha nhưng số lượng sản phẩm cung ứng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của đối tác. HTX đang có phương án mở rộng liên kết với các hộ dân trên địa bàn đầu tư sản xuất theo quy mô lớn hơn.
Người dân đeo gùi rau đến điểm tập kết của HTX. |
Đánh giá về kết quả hoạt động của mô hình kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn, ông Đặng Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: “Các HTX đóng vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, các sản phẩm OCOP tiêu biểu của xã như trà, rau an toàn khi vào siêu thị, giá trị tăng lên 5-6 lần. Đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập bình quân của xã. Cụ thể, giai đoạn 2010-2015, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5 triệu đồng/năm thì sau 5 năm đột phá, đến năm 2020 đã đạt 36 triệu đồng”.
Xuân Mai
Theo Vnbusiness