Hiện nay, vấn đề đang được quan tâm là khả năng dòng tiền có thể bị rút mạnh khỏi kênh tiền gửi tiết kiệm ngân hàng để chảy vào các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản… trong ngắn hạn không? Đặc biệt trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm ngày càng xuống thấp và các thị trường này phát đi tín hiệu hồi phục.
Lãi suất giảm nhanh
Tính đến đầu tháng 8/2023, lãi suất huy động bình quân đã giảm từ 1,1 – 1,6%/năm so với đầu năm. Cụ thể, tại các ngân hàng thương mại, nếu ở thời điểm cách đây khoảng 3 tháng, hầu hết lãi suất kỳ hạn 12 tháng niêm yết tại quầy đều trên 8%/năm, thì nay đã không còn.
Lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục giảm mạnh trong thời gian qua. |
Các chuyên gia dự báo, xu hướng chung là lãi suất sẽ giảm, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất điều hành để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
“Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, định hướng các tổ chức tín dụng “mạnh dạn” và “quyết liệt” hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân”, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Về lý thuyết, khi lãi suất tiền gửi đi xuống sẽ làm giảm tính hấp dẫn của kênh tiền gửi tiết kiệm. Dòng tiền sẽ chuyển sang tìm các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng… để mong tìm lợi suất tốt hơn.
Nêu quan điểm, CTCP Chứng khoán VNDirect dự báo lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng có thể về mức 6,5-,68%/năm vào cuối năm 2023 và xuống thấp hơn nữa vào năm 2024. Báo cáo của công ty chứng khoán này cho rằng, dòng tiền của nhà đầu tư có thể dịch chuyển một phần sang các kênh đầu tư khác để hưởng mức lợi suất cao hơn và xu hướng này sẽ rõ nét hơn trong giai đoạn cuối năm 2023.
Vậy, vấn đề đặt ra liệu hạ lãi suất tiết kiệm có ảnh hưởng nhiều đến thanh khoản, cung tiền của các ngân hàng?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo khả năng cao Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng các công cụ khác (cung tiền M2, dự trữ bắt buộc…) để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Do vậy, các ngân hàng có dư địa để giảm lãi suất tiết kiệm, giảm lãi suất cho vay.
Cũng theo chuyên gia này, bản thân các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp kinh doanh tiền. Do vậy, các biện pháp áp đặt sẽ dễ dẫn tới phản tác dụng.
“Hãy để thị trường quyết định, tôi cho rằng mấy tháng cuối năm, lãi suất cho vay sẽ giảm. Họ cũng phải hạ để kéo khách hàng, kích thích tăng trưởng tín dụng trở lại”, ông Minh dự báo.
Tiền gửi ngân hàng liệu có chuyển hướng?
Nhiều ý kiến kỳ vọng làn sóng hạ lãi suất sẽ gián tiếp tác động đến lĩnh vực bất động sản thông qua sự phục hồi của nền kinh tế, dòng tiền sẽ dịch chuyển giúp thị trường này ấm lên sau thời gian dài “ngủ đông”.
Tuy nhiên, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, thị trường bất động sản vừa trải qua khủng hoảng, mặc dù thị trường dần phục hồi từ tháng 5/2023 đến nay và đã trải qua thời điểm khó khăn nhất, nhưng các doanh nghiệp cho biết dòng tiền chưa có dấu hiệu trở lại khi lực cầu yếu.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực nhận định, sớm nhất phải đến đầu năm 2024, thị trường bất động sản mới phục hồi. Sở dĩ bất động sản phục hồi chậm là do nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời, sức cầu yếu (nhu cầu vay mua nhà giảm), thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn…
Đối với kênh đầu tư ngoại tệ và vàng, ông Khánh cho rằng, hiện tại, biến động thị trường ở mức thấp, Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách giữ tỷ giá ổn định, theo đó khả năng sinh lợi của các tài sản này không cao.
Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng của người tiêu dùng Việt Nam trong quý II/2023 giảm 9%, từ 14 tấn vào quý II/2022 xuống còn 12,7 tấn. Sự suy giảm này chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ vàng thỏi và xu vàng giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 9,6 tấn trong quý II/2022 xuống còn 9,1 tấn trong quý II/2023.
So sánh các kênh đầu tư trong giai đoạn hiện tại, ông Khánh đánh giá, cổ phiếu đang là kênh hấp dẫn hơn cả. “Các thị trường chứng khoán như Mỹ, Nhật Bản… và một số thị trường khác đều có đà tăng tích cực. Kênh cổ phiếu đang hấp dẫn hơn cả so với các kênh đầu tư khác”, ông Khánh nói.
Chuyên gia này phân tích: Tình hình nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hoạt động của doanh nghiệp chưa thực sự hồi phục, theo đó thị trường chứng kiến dòng tiền tìm tới các kênh tăng trưởng tốt hơn, nhất là chứng khoán.
“Diễn biến này là bình thường khi thị trường chứng khoán luôn phản ánh, đi trước nền kinh tế một bước”, ông Khánh nhấn mạnh.
Cũng nhìn nhận những lần nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương luôn tác độngvào thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh cho hay: “Như chúng ta thấy, chứng khoán là kênh được hưởng lợi ngay khi lãi suất giảm. Khi tiền gửi tiết kiệm bớt hấp dẫn, sẽ có sự dịch chuyển sang kênh khác”.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng khẳng định, thời điểm hiện nay rất khác so với cách đây 2 năm. Do vậy, không nên quá lo ngại chuyện “tất tay” vào chứng khoán hay bất động sản… ngay cả khi kênh tiết kiệm kém hấp dẫn.
“Nhà đầu tư vẫn còn sợ, bởi bài học còn đó. Thực tế tiền gửi vừa qua của doanh nghiệp và người dân vào ngân hàng vẫn rất dồi dào”, ông Minh nói.
Huyền Anh
Theo vnbusiness