Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố bảng lãi suất vay ngân hàng mua nhà trong tháng 7/2023 của 13 ngân hàng, theo đó lãi vay mua nhà ở thương mại tại các ngân hàng dao động 7,99 – 15,5%/năm.
Các ngân hàng đang cho vay mua nhà với lãi suất bao nhiêu?
Khảo sát trong tháng 7/2023 được VARS thực hiện tại 13 ngân hàng thương mại đang hoạt động trên cả nước như VPBank, VIB, OCB, StandardChartered, PVcombank, UOB, ACB, Oceanbank, MB, Hongleong, MSB… Hầu hết các ngân hàng này đều áp 2 mức lãi suất vay mua nhà với hình thức ưu đãi mua nhà trong 12 tháng đầu và lãi suất sau thời gian ưu đãi. Biên độ điều chỉnh lãi vay giữa ưu đãi và không ưu đãi từ 2% đến 3,8%.
Mức lãi suất cho vay mua nhà đang dao động từ 7,99- 15,5%/năm. |
Cụ thể, mức lãi vay ưu đãi mua nhà trong 12 tháng đầu của các ngân hàng này dao động từ 7,99-11,8%/năm. Cụ thể, Standard Chartered áp dụng mức lãi suất cho vay là 7,99%, ACB là 8,5%, Vietcombank là 9%, UOB là 9,49%, OCB là 10,5%,TPBank là 10,9%, VPBank là 11,8%…
Lãi suất sau ưu đãi – mức lãi suất thả nổi theo thị trường bao gồm lãi suất tham chiếu cộng biên độ tại các ngân hàng dao động trong khoảng 10,5%-15,5%/năm. Trong đó, PVcomBank là 15,5%; MSB là 14,6%;VPBank là 14%, TPBank là 13,75%; MB là 13,7%. Trường hợp khách hàng trả trước kỳ hạn sẽ bị áp mức lãi suất cao hơn lãi vay thông thường 1-3%.
Còn theo khảo sát của VnBusiness, hiện nay nhóm Big 4 gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank cũng đang có mức cho vay rất ưu đãi. Cụ thể, mức lãi suất cho vay mua nhà tại BIDV là 7,8%/năm; ngân hàng Agribank là 8%/năm; Vietinbank là 8,2%/năm; Vietcombank là 9,5%/năm.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch VARS cho rằng, lãi suất huy động hiện nay chỉ 6% mà các ngân hàng thương mại đang cho vay mua nhà lên tới trên 12% là quá cao. Vì vậy, ông đề xuất lãi suất vay mua nhà ở cần điều chỉnh về dưới 10%/năm, người dân mới có cơ hội tiếp cận vốn vay ngân hàng để mua nhà. Nếu các ngân hàng cố duy trì mức lãi suất cho vay mua nhà trên 12%/năm thì nhiều người dân có nhu cầu mua nhà sẽ không dám vay ngân hàng.
Theo ông Trần Hữu Nghị, Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng Thương mại Thiên Đức, giải pháp tín dụng vẫn là giải pháp có tính đột phá và có tính lan tỏa nhanh nhất, rộng khắp nhất trong giai đoạn này. Tất nhiên, ngân hàng phải kéo lãi suất cho vay về mức thấp hơn 10%/năm may ra kích cầu được người mua, chứ lãi suất cao thì vẫn như “leo cột mỡ”.
Cần mức lãi suất cố định dài hạn cho khách hàng vay mua nhà
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần quy mô vừa, cho rằng mức giảm như thế nào cần phải xem xét trường hợp cụ thể dựa trên chi phí vốn mà ngân hàng phải trả. “Lãi suất đã giảm nhưng chi phí vốn cho nguồn vốn huy động lãi suất cao cuối năm ngoái đến giờ vẫn chưa hấp thụ hết, đặc biệt trong bối cảnh cầu tín dụng tăng trưởng thấp. Hồi đầu năm nay, một số ngân hàng vẫn huy động lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng từ 10%/năm… Nên việc cho vay ra sẽ chưa giảm sâu như kỳ vọng, cần có thêm thời gian”.
Vị này cũng cho biết, các gói vay mua nhà thường có thời gian vay dài từ 15 – 20 năm, lãi suất cho vay ưu đãi trong thời gian đầu khoảng từ 6 tháng đến 1 năm, sau đó thả nổi theo mức lãi suất thị trường. Hiện nay, lãi suất đang xu hướng giảm, vì vậy, thời gian tới những khoản vay của khách hàng cũng được điều chỉnh giảm theo.
Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, việc so sánh mức lãi suất huy động hiện nay (6-7,5%/năm) với lãi suất cho vay mua nhà (10,5-15%/năm) là khập khiễng. Lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng được xác định tùy vào thời hạn cho vay, thông thường 20-30 năm, cũng như mức độ rủi ro của dự án, của doanh nghiệp… “Thời hạn cho vay càng dài, rủi ro càng cao, do đó lãi suất cũng phải cao”, ông nhấn mạnh.
Theo ông Lực, hiện chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra ròng sau khi trừ đi dự phòng rủi ro, dự trữ bắt buộc, chi phí hoạt động… của hệ thống ngân hàng trong khoảng 3% – Đây là mức chênh lệch trung bình trong khu vực.
Trao đổi với VnBusiness, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, chương trình cho vay của các ngân hàng tại Việt Nam hiện nay phần nào đã lỗi thời và cần một sự cải tổ. Đơn cử, ngân hàng có các gói vay 10 năm, 20 năm, 30 năm nhưng lại áp dụng lãi suất thả nổi.
Có rất nhiều ngân hàng mời gọi khách hàng đến vay tiền mua nhà ở với lãi suất rất thấp trong 3 tháng, 6 tháng đến một năm đầu tiên. Nhưng sau thời gian đó, lãi suất thường là thả nổi theo thị trường và điều này rất khó khăn cho người mua nhà. Nếu lãi suất tăng lên thì họ phải chịu một khoản chi phí tài chính cao hơn. Nhìn sang Mỹ, người đi mua nhà có thể trả một mức lãi suất cố định cho 30 năm và thậm chí còn lâu hơn.
Do đó, vấn đề hiện nay là cần phải có giải pháp để tìm những nguồn vốn trung và dài hạn cho thị trường bất động sản.
Một tín hiệu khả quan, ngày 10/7/2023, Ngân hàng Nhà nước tăng hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống từ mức 11% lên khoảng 14%. Nghĩa là, với 3% hạn mức giao thêm, các tổ chức tín dụng có thêm khoảng 358.000 tỷ đồng, nâng tổng nguồn cung tín dụng lên đến khoảng 1,1 triệu tỷ đồng để bơm vào nền kinh tế trong các tháng cuối năm. Ngoài ra, gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng đang triển khai có tác động tích cực đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và người mua nhà tại các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Huyền Anh
Theo vnbusiness