Sau sự rời đi của nhóm Thành Công, SMBC,… Eximbank đang đón nhận một làn gió mới từ sự xuất hiện của những cái tên của nhóm Gelex hay Bamboo Capital.
Gelex muốn trở thành cổ đông lớn
Sau nhiều năm bất ổn với những biến động thượng tầng, năm 2024 có lẽ là khoảng thời gian ít phát sinh những tranh chấp nhất của Eximbank. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian này, cơ cấu cổ đông và ban lãnh đạo của ngân hàng lại ghi nhận nhiều thay đổi đáng kể.
Mới đây nhất, sự xuất hiện của nhiều cái tên mới trong danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn của ngân hàng cho thấy cơ cấu cổ đông của ngân hàng đã có nhiều biến chuyển.
Trong danh sách công bố ngày 1/7, Gelex, Chứng khoán VIX, CTCP Thắng Phương là ba tổ chức có tỷ lệ sở hữu lớn nhất tại Eximbank; đồng thời có sự góp mặt của hai cá nhân là bà Lê Thị Mai Loan và Lương Thị Cẩm Tú. Những cái tên mới này cho thấy bóng dáng của Tập đoàn Gelex và Bamboo Capital tại Eximbank.
Ngày 5/8, thông tin từ Gelex cho hay tổ chức này đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận mua cổ phần của Eximbank để tăng tỷ lệ sở hữu lên 10% vốn điều lệ và chính thức trở thành cổ đông lớn của nhà băng này.
Đây cũng là mức tỷ lệ mà một cổ đông tổ chức được sở hữu tối đa tại một tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. Theo công bố vào ngày 6/8, Gelex cũng đã sở hữu 4,9% cổ phần của nhà băng này, tương đương gần 86 triệu cổ phần.
Nhóm Bamboo Capital thoái vốn?
Về phía Bamboo Capital, tổ chức này bắt đầu xuất hiện tại Eximbank vào đầu năm 2022 trước cả khi nhóm Thành Công và SMBC tuyên bố sẽ rút vốn khỏi ngân hàng này.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 lần thứ hai diễn ra vào tháng 2/2022, ông Nguyễn Thanh Hùng là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Bamboo Capital được bầu làm Thành viên HĐQT Eximbank. Ông Hùng được đề cử bởi nhóm cổ đông bao gồm ông Nguyễn Hồ Nam(Chủ tịch Bamboo Capital thời điểm đó), bà Lê Thị Mai Loan, Công ty Cổ phần Thắng Phương, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Helios.
Tuy nhiên chỉ hơn một năm sau ông Hùng đã có đơn từ nhiệm với lý do cá nhân.
Đến tháng 2/2023, bà Lê Thị Mai Loan được bầu làm Thành viên HĐQT của Eximbank. Bà Loan từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch thường trực tại Tracodi Trading & Consulting; đồng thời là cựu Thành viên BKS của Bamboo Capital và Phó Chủ tịch thường trực CTCP BCG Land.
Cho đến đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Nguyễn Hồ Nam chính thức xuất hiện với vai trò Thành viên HĐQT của Eximbank, đại hội cũng đồng thời miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với bà Lê Thị Mai Loan.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024, ông Hồ Nam cùng nhóm cá nhân tổ chức có liên quan gần như không nắm cổ phần tại Eximbank.
Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, CTCP Thắng Phương và bà Lê Thị Mai Loan đều có liên quan tới Bamboo Capital. Bà Loan hiện nắm gần 18 triệu cổ phiếu EIB, tương đương tỷ lệ sở hữu 1,03%.
Trong khi đó, CTCP Thắng Phương cho biết nắm hơn 53 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 3,07% vốn điều lệ vào ngày 1/7 nhưng lại nhanh chóng rút khỏi danh sách này theo công bố thông tin vào ngày 6/8. Diễn biến này trùng khớp với loạt giao dịch với khối lượng lớn trong đầu tháng 7 vừa qua.
Mặc dù Thắng Phương đã giảm sở hữu của mình xuống dưới ngưỡng 1% nhưng sự hiện diện của Bamboo Capital tại Eximbank vẫn được duy trì.
Ghế nóng đổi chủ nhưng không ‘ồn ào’
Trái ngược với sự ồn ào mỗi lần đổi chủ trước đó của chiếc “ghế nóng bỏng” Chủ tịch HĐQT Eximbank, lần thay thế mới đây nhất lại diễn ra khá bình lặng.
Sau đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, HĐQT mới của ngân hàng đã thực hiện miễn nhiệm bà Đỗ Hà Phương đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Anh đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 từ ngày 26/4. Cùng với đó, ba cá nhân là bà Đỗ Hà Phương, bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Nguyễn Hồ Nam được bổ nhiệm làm ba Phó Chủ tịch HĐQT của ngân hàng.
Như vậy, HĐQT hiện tại của Eximbank gồm 7 thành viên trong đó có một Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch, một Thành viên HĐQT và một Thành viên HĐQT độc lập.
Theo thông tin được Eximbank giới thiệu, ông Nguyễn Cảnh Anh sinh năm 1979, từng làm việc tại một số tập đoàn lớn. Tại Viettel Group, ông từng là chuyên viên.
Tại Vingroup, ông từng là quản lý tài chính. Tại EVNFinance, giai đoạn tháng 10/2020 đến tháng 7/2023, ông Cảnh Anh là Giám đốc Khối nguồn vốn.
Ông Nguyễn Cảnh Anh được bầu vào HĐQT của ngân hàng này trong phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 (18/9/2023).
Trong danh sáchbầu bổ sung thành viên HĐQT được các nhóm cổ đông đề cử và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận gồm ba cá nhân là ông Trần Tấn Lộc, ông Nguyễn Cảnh Anh, ông Võ Văn Dũng.
Nhưng sau đó ông Võ Văn Dũng đã tự xin rút trước đại hội vì lý do cá nhân, chỉ còn lại hai ứng viên và đều được ĐHĐCĐ thông qua.
Lần đầu tiên sau 10 năm, cổ đông được nhận cổ tức tiền mặt
Cuối tháng 5/2024, HĐQT Eximbank đã công bố nghị quyết về việc triển khai phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 3% và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 7%. Tổng cộng trong năm nay, Eximbank sẽ trả cổ tức với tỷ lệ 10%.
Cụ thể, theo phương án trả cổ tức bằng tiền mặt, mức chi trả sẽ là 300 đồng/cp. Ngân hàng dự kiến sẽ chi ra 552 tỷ đồng để chi trả cho cổ đông. Tuy nhiên, thông báo của HĐQT vẫn chưa nêu chi tiết về ngày chốt quyền cũng như ngày chi trả.
Theo phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, Eximbank sẽ phát hành thêm 121,9 triệu cổ phiếu mới, tương ứng vốn điều lệ tăng thêm 1.219 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ đạt 18.688 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành chưa được công bố cụ thể, dự kiến là trong năm 2024.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014 mà nhà băng này tiến hành chia cổ tức tiền mặt. Trong giai đoạn từ 2015 đến 2023 (9 năm), Eximbank không hề chia cổ tức tiền mặt. Vào năm 2014, ngân hàng từng thực hiện chia cổ tức tiền mặt theo tỷ lệ 4% cho năm 2013.
Trước đó, trong năm 2023, cổ đông Eximbank đã hai lần nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% và 18%, lần đầu vào tháng 2 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021; lần thứ hai vào tháng 10 từ nguồn lợi nhuận giữ lại và lũy kế các năm trước và lợi nhuận 2022.
Trong năm 2024, Eximbank đặt mục tiêu tương đối tham vọng, trong đó lợi nhuận trước thuế đạt 5.180 tỷ đồng, tăng 90,5% so với năm trước. Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng,dư nợ tín dụng tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, huy động vốn tiến thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng.
Theo số liệu báo cáo tài chính mới nhất, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 1.474 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ, thực hiện được gần 28,5% kế hoạch lợi nhuận năm. Năm ngoái, Eximbank cũng đã không thể hoàn thành kế hoạch đã đề ra.