Chiếc C919 do Trung Quốc tự sản xuất vừa có chuyến bay đầu tiên bên ngoài lãnh thổ nước này, khi tham gia triển lãm tại Singapore.
Hôm 18/2, máy bay thân hẹp C919 của Trung Quốc đã có chuyến bay biểu diễn trước thềm Triển lãm Hàng không Singapore. Đây là lần đầu tiên C919 bay bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Phi cơ này do Tập đoàn Máy bay Thương Mại Trung Quốc (Comac) sản xuất.
Sự kiện tại Singapore được đánh giá là cơ hội để C919 quảng bá hình ảnh ra bên ngoài, trong bối cảnh Airbus và Boeing tham gia khá hạn chế. Airbus sẽ chỉ thực hiện bay trình diễn với A350-1000, không có máy bay nào của dòng A320neo. Boeing cũng không mang máy bay thương mại đến Singapore, mà chỉ đưa theo máy bay quân sự.
C919 là thành quả 14 năm phát triển của Comac, được Trung Quốc cấp chứng nhận cuối tháng 9/2022. Đây là mẫu máy bay thân hẹp, có sức chứa 158-169 hành khách với tầm bay hơn 5.500 km. C919 cạnh tranh với Boeing 737 và Airbus 320.
Trung Quốc đầu tư rất mạnh tay cho hoạt động sản xuất máy bay, nhằm phá vỡ thế thống trị của hai gã khổng lồ phương Tây là Boeing và Airbus. Năm nay, họ cho biết sẽ đẩy mạnh việc quảng bá C919 và Comac cả ở trong nước và quốc tế. Máy bay này chỉ mới được cấp phép hoạt động tại Trung Quốc và mới có hãng bay China Eastern Airlines đưa vào vận hành thương mại
Tháng 12/2023, C919 lần đầu tiên ra khỏi Trung Quốc đại lục, khi tham gia triển lãm tại Hong Kong. Tại sự kiện này, C919 và máy bay phản lực ARJ-21 (cũng do Comac sản xuất) được trưng bày tại Sân bay Quốc tế Hong Kong. C919 còn thực hiện một chuyến bay trình diễn qua cảng Victoria.
Boeing và Airbus đang tích cực tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu máy bay mới. Đặc biệt trong bối cảnh Boeing quay cuồng với hàng loạt cuộc khủng hoảng với 737 MAX, ngành hàng không đang quan sát xem Comac sẽ tận dụng cơ hội giành thị phần như thế nào.
Tháng trước, truyền thông Trung Quốc đưa tin quan chức Comac cho biết sẽ đầu tư hàng chục tỷ nhân dân tệ trong 3-5 năm tới, để mở rộng sản xuất C919. Quan chức hàng không Trung Quốc cũng cho biết sẽ tìm cách để C919 được Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) phê duyệt.
Reuters trích nhiều nguồn tin trong ngành cho biết hiện chỉ có 4 chiếc C919 đang hoạt động tại Trung Quốc. Máy bay này cũng mới được cấp phép trong nước và phụ thuộc vào nguồn cung quốc tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành hàng không thiếu máy bay, Comac đang ngày càng thu hút sự chú ý. “Ngày càng nhiều khách hàng của tôi đưa C919 vào danh sách xem xét”, Adam Cowburn tại hãng tư vấn hàng không Alton Aviation Consultancy cho biết trên Reuters.
Hai chiếc C919 đã được Comac bàn giao năm 2023. Hãng tư vấn hàng không IBA dự báo 7-10 chiếc nữa sẽ được giao trong năm nay.
“Khi các máy bay thân hẹp của Airbus và Boeing đều đã bán hết trong thập kỷ này, cơ hội cho C919 hiện khá lớn, đặc biệt là tại thị trường trong nước. Thách thức của họ chủ yếu là sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước và có giấy phép tham gia thị trường quốc tế mà thôi”, Mike Yeomans tại IBA nhận định.
Hà Thu (theo Reuters)
https://kinhtengoaithuong.vn/kinh-doanh