“Thưởng tết ngân hàng” năm nay đã không còn là từ khoá quá hot trong những ngày giáp Tết. Sau một năm kinh tế buồn, không phải tại ngân hàng nào con số thưởng cũng ở mức đáng ngưỡng mộ như trước.
“Ting Ting” – có lẽ là âm thanh mà không chỉ những nhân viên ngân hàng mà còn nhiều người làm công ăn lương mong chờ nhất trong những ngày cuối năm. Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là kỳ nghỉ Tết đã tới nhưng với một số banker, thưởng Tết vẫn chưa về túi.
“Chắc tối nay sẽ được ting ting thưởng Tết”, anh Dũng – nhân viên khối back một Big4 có lợi nhuận hàng đầu ngành chia sẻ. Anh cho biết năm nay có thể thưởng sẽ cao hơn năm ngoái, khoảng 5 – 6 tháng lương, nhân viên cũng sẽ nhận 12 triệu đồng vào đêm giao thừa nếu làm đủ 12 tháng trong năm.
Tại một Big4 chưa IPO khác, chị N.A cho biết năm nay thưởng thấp hơn năm trước do chi nhánh làm ăn kém hơn. “Hiện mình mới được nhận hai tháng lương cơ bản, còn lương v2 thì sẽ tạm giữ đến tháng 3 mới trả”, chị nói. “Chắc tháng ba năm nay mới chi nhánh mới được ăn Tết.”
Chia sẻ với người viết, anh P.V.Đ, nhân viên một ngân hàng cổ phần tầm trung thường có ROE top đầu ngành, cho biết mãi tới ngày cuối cùng của tháng 1, ngân hàng mới công bố thông tin về thưởng Tết âm lịch, muộn hơn năm trước khá nhiều.
“Năm nay bên mình thưởng tối đa hai tháng lương, cán bộ quản lý thì nhận tiền mặt và cổ phiếu, còn nhân viên thường thì nhận tiền”, anh cho hay. Mức thưởng của mỗi người khác nhau dựa trên các mức đánh giá nhân sự: trên mức tiêu chuẩn, đạt chuẩn, dưới chuẩn.
Anh V.Q.A, nhân viên tại một ngân hàng TMCP lớn tại Hà Nội, cho biết do tình hình kinh doanh của chi nhánh khó khăn, anh chi nhận được thưởng 1 tháng lương cơ bản (5 triệu đồng), hiện vẫn chưa được chi nhưng chắc chắn sẽ được trả trước kỳ nghỉ. Anh cũng chia sẻ thêm rằng do làm việc ở bộ phận tín dụng khách hàng cá nhân, năm vừa qua, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập đã bị ảnh hưởng đáng kể.
Chị Trang, mới chuyển công việc về ngân hàng P “vàng” vào đầu năm cho biết mức thưởng chị nhận được là 1 tháng lương vào Tết Dương lịch và 2 tháng lương vào Tết âm (tính trên tổng lương thực nhận). Trong khi đó, ở ngân hàng cũ chị làm trước đó mức thưởng dao động từ 2,6 đến 3,6 tháng lương, nhưng cũng có cả mức thưởng 0 đồng.
Không vui vẻ gì khi nhắc đến thưởng Tết âm lịch, chị Hà My, nhân viên tại một ngân hàng cỡ nhỏ có trụ sở phía Nam, cho biết ngân hàng năm nay không thưởng Tết. “Năm nay coi như là mất Tết”, chị thở dài. Em họ chị ở một ngân hàng cổ phần khác cũng ở phía Nam năm nay dù thấp hơn trước vẫn được thưởng 2 tháng lương .
Trên các nhóm mạng xã hội, mặc dù không khí không quá nhộn nhịp như hai năm về trước, thông tin về thưởng Tết các ngân hàng cũng dần được cập nhật với nhiều con số khác nhau. Bank M cam, là ngân hàng được nhắc tên nhiều nhất trong ngày khi vừa ting ting thưởng Tết.
“Bank O xanh lá thưởng max 5 tháng lương”, “S xanh tối đa 3 tháng”,… là các thông tin được các banker chia sẻ trên nhóm và nhận được nhiều tương tác của các thành viên. Nhiều bình luận của các banker cho biết ngân hàng của họ vẫn chưa thấy thưởng đâu.
Bức tranh thưởng tết các ngân hàng năm nay có sự phân hoá giữa các nhóm, chủ yếu do ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều ngân hàng phải cắt giảm bớt chi phí để có lãi, lãi đạt kế hoạch. Tuỳ theo kết quả kinh doanh, các ngân hàng sẽ đưa ra mức lương thưởng khác nhau với từng chi nhánh, khối, phòng ban.
Số liệu báo cáo tài chính công bố đến thời điểm hiện tại, Top 5 ngân hàng có mức lợi nhuận năm 2023 cao nhất ngành ngoài ba Big4 là Vietcombank, BIDV, VietinBank còn có sự góp mặt của hai ngân hàng cổ phần là MB và Techcombank (đến thời điểm hiện tại Agribank chưa công bố báo cáo tài chính).
Trong khi nhiều ngân hàng cổ phần kết thúc chuỗi tăng lợi nhuận, thậm chí có nơi báo lỗ, thì các ngân hàng quốc doanh được đánh giá là vẫn “sống khoẻ” với tốc độ tăng trưởng hai con số so với năm trước.
Trong số 28 ngân hàng đã công bố thông tin, có 11 nhà băng ghi nhận lợi nhuận giảm hoặc lỗ trong năm 2023; 5 nhà băng có mức tăng trưởng lợi nhuận một chữ số (từ 1% đến 5%). Mức tăng trung bình lợi nhuận của 28 ngân hàng chỉ ở mức 4% so với năm trước, trong khi con số của năm 2022 là tăng gần 34%.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quý I/2024 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện, các TCTD cho rằngtình hình kinh doanh và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2023 có sự cải thiện nhẹ so với quý trước nhưng thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.
Đánh giá tổng thể năm 2023, các TCTD cho rằng tình hình kinh doanh chưa đạt kỳ vọng và giảm mạnh dự báo về tăng trưởng lợi nhuận trước thuế. Cụ thể, 78,6% TCTD ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng trưởng dương so với 2022; 17,9% ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm và 3,6% cho rằng lợi nhuận không đổi.
Mặc dù năm 2024 được đánh giá là một năm tiếp tục có nhiều khó khăn và thách thức, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng năm 2024 ngành ngân hàng sẽ khởi sắc hơn với những tín hiệu tích cực từ: sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu tín dụng, rủi ro hệ thống giảm bớt, CASA đi lên, NIM tạo đáy và triển vọng lợi nhuận khả quan hơn.
Chứng khoán SSI dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu dự kiến đạt 15,4% so với cùng kỳ. Kỳ vọng này tốt hơn đáng kể nếu so sánh với kết quả 4,6% trong năm 2023. Điều này xảy ra trong kịch bảncơ sở rằng tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,0% – 6,5%, lãi suất trung bình cả năm duy trì quanh mức thấp nhất trong thập kỷ và NHNN sẽ ứng phó linh hoạt về cơ chế ghi nhận và trích lập dự phòng nợ xấu.
Còn theo các chuyên gia của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng ngân hàng sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 10% nhưng sẽ có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.