Ngân hàng Trung ương Nga chiều nay nâng lãi suất mạnh tay trong cuộc họp được tổ chức khẩn cấp sau khi giá ruble lao dốc.
Lãi suất tham chiếu tại Nga vừa được nâng từ 8,5% lên 12%. Đây là lần thứ hai liên tiếp trong một tháng Ngân hàng Trung ương Nga nâng lãi, và cũng là lần mạnh tay nhất kể từ đầu chiến sự tại Ukraine. Cuộc họp được tổ chức sớm một tháng so với kế hoạch, sau khi ruble hôm qua phá vỡ mốc 100 RUB đổi một USD, xuống thấp nhất 17 tháng.
“Quyết định này nhằm hạn chế rủi ro về giá”, cơ quan này giải thích. Giữa tháng tới, họ sẽ tiếp tục đánh giá về lãi suất.
Đồng ruble chiều nay mạnh lên sau thông báo nâng lãi, hiện lên 95 RUB một USD. Năm nay, ruble đã mất giá 22% so với đôla Mỹ và là một trong 3 đồng tiền có diễn biến tệ nhất nhóm nước mới nổi.
Đồng ruble yếu có lợi cho xuất khẩu, khi nguồn thu từ dầu của nước này tháng trước lên cao nhất 8 tháng. Tuy nhiên, nó lại kéo cao chi phí nhập khẩu và khiến người dân chuyển tiền ra nước ngoài để bảo vệ tài sản.
3 tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga đã nâng lãi suất thêm 1%. Họ cảnh báo sẽ tiếp tục nâng lãi để đối phó rủi ro lạm phát khi chính phủ đang chi tiêu mạnh tay, phương Tây áp lệnh trừng phạt Nga và lao động thiếu thốn do chiến sự. Tháng trước, khảo sát của Bloomberg cho tháy các nhà kinh tế học chỉ dự báo lãi suất tại Nga lên 9% quý này.
Tuy nhiên, lạm phát tháng trước đã vượt mục tiêu 4% của Ngân hàng Trung ương Nga lần đầu tiên kể từ tháng 2. Một số quan chức Nga cũng cho rằng Ngân hàng Trung ương đã để tín dụng tăng trưởng quá nhanh, bơm quá nhiều tiền vào nền kinh tế. Họ kêu gọi “tăng giá đồng ruble” để giúp Nga điều chỉnh lại.
Số khác cho rằng việc ruble yếu đi sẽ đe dọa ổn định xã hội trong bối cảnh chiến sự kéo dài và các lệnh trừng phạt quốc tế đang siết ngoại thương của Nga.
Ngân hàng Trung ương Nga kỳ vọng việc tăng lãi sẽ làm tăng tiền tiết kiệm trong ngân hàng, đồng thời hạ nhiệt nhu cầu tiêu dùng vốn đang khiến thặng dư tài khoản vãng lai của Nga xuống thấp nhất 2 năm.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng các công cụ của Ngân hàng Trung ương Nga bị hạn chế. Họ nhiều khả năng chỉ có thể tiếp tục nâng lãi và siết kiểm soát vốn. Khi phần lớn dự trữ bị đóng băng ở nước ngoài, giới chức Nga sẽ lưỡng lự can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ nếu ruble tiếp tục chịu sức ép.
Hà Thu (theo Bloomberg)
Theo vnexpress