Chia sẻ trong hội thảo diễn ra mới đây tại Tp.HCM, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nguồn cung nhà ở mới thiếu hụt. Các dự án cũ thiếu sự đa dạng sản phẩm để người mua lựa chọn. Những nguồn hàng mở bán giai đoạn tiếp đều là nguồn hàng “đọng” trước đó, mở bán tiếp. Với căn hộ, đa số là căn diện tích lớn, cấu thành giá cao.
Chẳng hạn, những dự án chào bán ra thị trường ở giai đoạn này như Westgate của An Gia, The 9 Stellars của Sơn Kim Land, MT Eastmark City Quận 9 của Rioland, Moolight Avenue, Urban Green Thủ Đức của Tập đoàn Kusto Home… đều là các dự án cũ mở bán giai đoạn tiếp, đa số còn lại các căn diện tích lớn.
Điều này cho thấy, nguồn cung nhà ở tại Tp.HCM ngày càng thiếu hụt và thiếu đa dạng phân khúc giá cho người mua lựa chọn.
Ngược lại, nếu Tp.HCM chỉ là hàng cũ mở bán tiếp với số lượng khiêm tốn thì khu lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu lại có nguồn hàng “mới tinh” ra thị trường với đa dạng phân khúc từ căn hộ đến nhà phố, biệt thự. Đây cũng được xem là các thị trường bổ sung nguồn cung bất động sản cho Tp.HCM, vốn đang thiếu hụt.
Theo ông Đính, về nguồn cung, năm 2022, ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, bằng 20% so với nguồn cung năm 2018. Riêng quý 1/2023 hầu như tại Tp.HCM không đón nhận nguồn cung mới.
Ngoài ra, lượng hàng tồn kho bất động sản khá lớn, chủ yếu đến từ các dự án xây dựng dở dang. Nhiều dự án buộc phải tạm dừng do doanh nghiệp không còn đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Mảng dịch vụ Tư vấn & Phát triển dự án của DKRA Group cho hay, tất cả các dự án căn hộ chào bán ở giai đoạn này tại Tp.HCM đều là nguồn hàng cũ mở bán.
Theo số liệu thống kê của R&D – DKRA Group, trong 7 tháng đầu năm 2023, thị trường căn hộ tại Tp.HCM ghi nhận nguồn cung mới khoảng 5,364 căn, giảm 62% so với cùng kỳ năm 2022 (khoảng 14,044 căn). Đáng chú ý, trong số 12 dự án mở bán 7 tháng đầu năm, chỉ có 2 dự án mới, còn lại đều là những giai đoạn mở bán tiếp theo.
Tuy nhiên, nguồn cung này chỉ chủ yếu tập trung ở tháng 7/2023 (khoảng 3,499 căn), chiếm 2/3 tổng nguồn cung mới 7 tháng đầu năm, phần lớn đến từ giai đoạn tiếp theo của một dự án đại đô thị quy mô lớn thuộc khu Đông – Tp.Thủ Đức mở bán trong tháng. Nếu tính riêng 6 tháng đầu năm thì chỉ có chưa đến 2,000 căn hộ được mở bán mới tại Tp.HCM.
“Từ đó, dễ thấy được rằng thực trạng nguồn cung mới của thành phố vẫn đang rất khan hiếm, thiếu tính đa dạng phân khúc giá cho người mua lựa chọn”, ông Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Thắng, một số dự án trên địa bàn thành phố có thời gian triển khai bán hàng kéo dài có nguyên nhân từ khâu hoàn thiện pháp lý dự án khiến các chủ đầu tư tạm hoãn việc mở bán đưa sản phẩm ra thị trường.
Để khắc phục vấn đề này, từ đầu năm đến nay đã có nhiều chính sách tháo gỡ của Nhà nước được ban hành như Nghị quyết 33/NQ-CP, Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Nghị định 10/2023/NĐ-CP,… cùng hàng loạt động thái điều chỉnh giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, trên thực tế vẫn chưa có đủ thời gian và “độ thấm” lên thị trường cũng như công tác triển khai áp dụng ở các địa phương vẫn còn gặp phải nhiều hạn chế.
https://kinhtengoaithuong.vn/kinh-doanh