Biến điện thoại thành máy POS, tích hợp dữ liệu VNeID, phát triển OpenAPI,… và tăng trải nghiệm số cho khách hàng là những điểm nhấn xu hướng công nghệ số của ngành ngân hàng hiện nay.
Tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024, loạt ngân hàng và tổ chức công nghệ đã mang đến nhiều sản phẩm số ấn tượng, không những giúp tăng chất lượng trải nghiệm mà còn mang tới những tiện ích thiết thực cho người dùng cả với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Chia sẻ sau khi tham quan, trải nghiệm các gian hàng tại sự kiện, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đánh giá các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số hiện nay có những tiến bộ vượt trội so với hai năm trước.
Biến điện thoại thành máy POS thu nhỏ
“Biến điện thoại thành máy POS thu nhỏ – SoftPOS” là sản phẩm mới được nhiều ngân hàng triển khai trong thời gian qua, mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng. Trước đây, các điểm bán phải thêm chi phí mua máy POS thì nay với ứng dụng mới này, chiếc điện thoại của người bán hàng có thể trở thành thành máy POS, xử lý giao dịch thẻ không tiếp xúc thông qua sóng NFC.
Điều này giúp cả ngân hàng, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh tiết kiệm chi phí đầu tư, không cần mua thêm phần cứng, cơ động và việc nâng cấp dịch vụ cũng được quản lý trực tuyến. Đây cũng được xem như phương án khả thi cho các ngân hàng phủ rộng máy POS, đặc biệt đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Tại VIB, SoftPOS được tích hợp ngay trong ứng dụng ngân hàng số VIB Checkout, dành riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh, với nhiều tiện ích cho khách hàng trong quá trình kinh doanh của mình. Hiện sản phẩm này của VIB chấp nhận thanh toán cho thẻ chip nội địa và Visa.
Việc tích hợp này giúp chủ doanh nghiệp/hộ kinh doanh có thể quản lý được dòng tiền ra/vào của các chuỗi tài khoản của từng cửa hàng riêng biệt, giúp nhận tiền hàng và quản lý đơn thuận tiện với mã thanh toán QR, thực hiện các tác vụ chuyển tiền đơn/ theo lô, quản lý thu chi, kiểm soát giao dịch và dòng tiền,…
Đại diện VIB cho biết sau gần một năm ra mắt, gói tài khoản thanh và ngân hàng số VIB Checkout đã thu hút 36.000 khách hàng đăng ký sử dụng, tăng 75% về số lượng giao dịch trực tuyến và 110% về tiền gửi trực tuyến trong 3 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023.
Tại TPBank, ứng dụng này được khuyến khích dùng cho các khách hàng là chủ shop kinh doanh nhỏ. TPBank SoftPOS chấp nhận thanh toán với tất cả các loại thẻ bao gồm Visa, Mastercard, JCB và ATM (có biểu tượng Contactless) với tốc độ chỉ 5 giây cho một giao dịch thanh toán.
Tăng cường trải nghiệm số cho doanh nghiệp
Là một trong những ngân hàng có tỷ trọng lớn là khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã mang tới hai giải pháp số “Dịch vụ thu hộ qua tài khoản định danh SLINK” và “Hệ thống phê duyệt tín dụng tự động ACAS”.
Với các giao dịch chuyển tới tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thông qua tài khoản định danh SLINK sẽ được phân loại và hệ thống hóa, xử lý nhanh chóng tự động.
Qua đó, khách hàng có thể chủ động định danh các điểm kinh doanh theo từng tài khoản; nhận doanh thu từ các điểm kinh doanh về tài khoản thanh toán của doanh nghiệp theo thời gian thực (real time); thuận tiện quản lý dòng tiền/doanh thu của từng điểm kinh doanh qua Internet Banking; hỗ trợ từng điểm kinh doanh dễ dàng truy vấn và quản lý được doanh thu thực tế…
“Dịch vụ thu hộ qua tài khoản định danh SLINK” với khả năng quản lý dòng tiền dành cho các khách hàng doanh nghiệp đảm bảo ba yếu tố linh hoạt, nhanh chóng, hiệu quả hơn so với các phương thức truyền thống hiện nay, ông Đỗ Quang Vinh – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc SHB cho hay.
Cùng với đó, giải pháp ACAS giúp khách hàng có nhu cầu vay vốn tiết kiệm thời gian và đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ. Khách hàng chỉ cần hoàn thiện mẫu đăng ký trên ứng dụng ngân hàng điện tử, chờ nhận thông báo và hoàn tất thủ tục đăng ký trên ứng dụng di động, nếu hệ thống ACAS sàng lọc cơ sở dữ liệu kết luận khách hàng đủ điều kiện.
Trong vòng 5 phút, khách hàng đã có thể sử dụng hạn mức tín dụng được cấp. Từ năm 2024, ACAS sẽ được cải tiến để phục vụ các hộ kinh doanh và các khoản vay khách hàng cá nhân như vay mua nhà, vay mua ô tô, sửa nhà,…
Tích hợp ứng dụng dữ liệu dân cư – VNeID trong xác thực, định danh khách hàng
Một trong những điểm nhấn được giới thiệu tại sự kiện chuyển đổi số ngành là việc sử dụng công nghệ kết hợp với dữ liệu dân cư như ứng dụng VNeID trong xác thực giao dịch điện tử.
Theo nhận định của lãnh đạo nhiều ngân hàng, việc kết nối và tích hợp dữ liệu quốc gia về dân cư vào các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng giúp xây dựng một cơ sở dữ liệu đồng nhất, đáng tin cậy và cập nhật, từ đó tăng cường khả năng phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận và lừa đảo.
Theo quy định ban hành mới đây của NHNN, từ ngày 1/7/2024, chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay. Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.
Người dùng có thể dùng căn cước công dân gắn chip, tài khoản VNeID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng.
Chia sẻ tại sự kiện bà Đinh Thị Thái, Phó Tổng giám đốc – Phụ trách Khối quản lý rủi ro Vietcombank, cho biết việc kết nối giữa ứng dụng giao dịch ngân hàng điện tử với ứng dụng định danh điện tử VNeID giúp ngân hàng có được nguồn dữ liệu định danh khách hàng tin cậy, được cung cấp bởi Bộ Công an. Từ đó giúp ngăn chặn các hành vi giả mạo danh tính để mở tài khoản gian lận, lừa đảo cũng như tối ưu hoạt động thông qua giảm thiểu các thủ tục về giấy tờ, nguồn lực, thời gian, chi phí cho công tác định danh thủ công.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Minh Ngọc – Phó TGĐ Agribank cho biết với hình thức xác thực bằng chip trên căn cước công dân, dữ liệu sinh trắc học này sẽ được xác thực bởi Bộ Công an và được ngân hàng lưu trữ lâu dài. Điều này sẽ ngăn chặn được tình trạng làm giả giấy tờ và giảm thủ tục hành chính sau này.
Xu hướng công nghệ OpenAPI
Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở (Ngân hàng mở – Open Banking) cũng là một trong những xu hướng được các ngân hàng phát triển hiện nay thông qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API).
Thay vì khép kín, không chia sẻ tệp khách hàng của mình, cũng không liên kết với ai để bảo vệ data khách hàng như trước đây, hiện nay các ngân hàng đang cố gắng thay đổi, cởi mở tới mức tối đa.
Đại diện BIDV cho biết với Open API, dịch vụ ngân hàng không chỉ được thực hiện tại hệ thống ngân hàng mà còn được “nhúng”, “tích hợp” vào các ứng dụng, các phần mềm, các nền tảng của các đối tác nền tảng. Dịch vụ ngân hàng sẽ không chỉ được thực hiện tại các kênh thuộc sở hữu của ngân hàng mà tại nhiều dịch vụ khác theo như cầu của người dùng.
Cụ thể, khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ như đặt vé máy bay, gọi taxi, đặt hàng siêu thị, mua sắm của các nhà cung cấp trên ứng dụng ngân hàng. Đồng thời, khách hàng có thể sử dụng phần mềm, ứng dụng do bên thứ ba cung cấp để thực hiện các dịch vụ ngân hàng như thanh toán, chuyển tiền, thanh toán hoá đơn, đề nghị cấp tín dụng.
“Ông lớn” khác là VietinBank đã phát triển nền tảng chia sẻ giao diện lập trình ứng dụng mở với tên gọi VietinBank iConnect để tất cả đối tác có thể truy cập, tham khảo các dịch vụ tài chính, ngân hàng đã được đóng gói thành các kết nối số (API) do VietinBank cung cấp, đồng thời nhận được tư vấn và hỗ trợ trong quá trình phát triển ứng dụng, tích hợp và triển khai dịch vụ.
Sau 5 năm triển khai, VietinBank đã cung cấp dịch vụ số cho hàng trăm đối tác thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau như Fintech, bán lẻ, FMCG, F&B… thông qua kế nối open APIs, xử lý trung bình trên 300 triệu giao dịch tài chính/năm thuộc nhiều nhóm sản phẩm tài chính đa dạng như dịch vụ tài khoản, thu chi hộ, thanh toán, quản lý dòng tiền.
Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết đang sở hữu hơn 800 APIs cho hầu hết dịch vụ thanh toán. MB đã kết hợp dịch vụ của mình với gần 1.000 đối tác, trong đó có những tên tuổi hàng đầu như WinCommerce, THMilk, VietNamAirlines, Momo, Ahamove, Giaohangtietkiem, Kiotviet, Sapo, Zalopay, Vetc, Epass, Thegioididong…
“MB là một trong những ngân hàng sở hữu nhiều APIs thanh toán nhất thị trường (khoảng 1000 APIs). Tất cả các APIs này đều do đội ngũ công nghệ thông tin của MB phát triển. Thời gian tích hợp API với doanh nghiệp diễn ra chỉ trong vòng 2 tuần làm việc, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, ông Vũ Thành Trung, Thành viên Ban Điều hành MB chia sẻ.
Sản phẩm dành riêng cho nhóm khách hàng trẻ
Cũng tại sự kiện, nhiều sản phẩm ứng dụng mang màu sắc trẻ trung cũng được giới thiệu tại các gian hàng trải nghiệm.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) giới thiệu về Liobank – Ngân hàng số công nghệ, dành riêng cho khách hàng trẻ và đặc biệt là GenZ. Điểm nổi trội tại ứng dụng ngân hàng số này chính là giao diện thân thiện, thủ tục tinh gọn, chỉ cần vài thao tác đơn giản, khách hàng sẽ được mở tài khoản đa năng.
Mọi giao dịch và yêu cầu của khách hàng đều có thể thực hiện trên ứng dụng Liobank mà không cần đến quầy giao dịch hay thủ tục giấy tờ xác minh phức tạp và tất cả đều hoàn toàn miễn phí.
Ngân hàng số Liobank còn cho phép khách hàng phát hành thẻ 2 trong 1 – kết hợp giữa thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, nhận thẻ phi vật lý ngay sau khi đăng ký thành công, chọn địa điểm và khung giờ nhận thẻ vật lý ngay trên ứng dụng, giao thẻ vật lý ngay ngày hôm sau, hạn mức tín dụng lên tới 300 triệu đồng.