Báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng mới đây cho biết trong năm 2024, các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng 108 dự án nhà ở xã hội, quy mô 47.532 căn hộ.
Trong số 108 dự án nhà ở xã hội đăng ký hoàn thành trong năm 2024, ở khu vực phía Nam, TP.HCM đăng ký hoàn thành 6 dự án, quy mô 3.765 căn hộ; Bình Dương 20 dự án, quy mô 4.500 căn hộ; Cần Thơ 2 dự án, quy mô 1.535 căn hộ, An Giang 4 dự án, quy mô 1.907 căn hộ.
Những tia hy vọng mở ra
Tại phía Bắc, Bắc Ninh đăng ký 5 dự án, quy mô 6.000 căn hộ, Hải Phòng 8 dự án, quy mô 3.925 căn hộ, Quảng Ninh 3 dự án, quy mô 1.600 căn hộ, Hà Nội 3 dự án, quy mô 1.181 căn hộ, Bắc Giang 2 dự án, quy mô 2.428 căn hộ, Hà Nam 4 dự án, quy mô 1.666 căn hộ…
Cùng với hàng vạn căn hộ nhà ở xã hội đăng ký từ các địa phương, một trong những yếu tố khiến nhiều người kỳ vọng nguồn cung nhà ở bình dân sẽ tăng trong thời gian tới là động thái quyết liệt từ Chính phủ trong việc giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.
Người mua nhà kỳ vọng thời gian tới thị trường sẽ có nhiều nhà ở vừa túi tiền hơn. |
Cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có chỉ đạo liên quan việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại tra cứu, xem xét cho vay theo đúng nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Bên cạnh vấn đề về tín dụng, Bộ ba Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản vừa thông qua, theo các chuyên gia cũng sẽ giúp tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp lý, rút gọn thủ tục đất đai, tạo cơ hội tiếp cận đất một cách công bằng, minh bạch, góp phần gia tăng quỹ đất cho phát triển nhà giá bình dân.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), trong một hội thảo gần đây, khẳng định những thay đổi liên quan Luật Nhà ở, Kinh doanh Bất động sản 2023 sẽ là khung pháp lý quan trọng tác động tích cực đến doanh nghiệp, tăng nguồn cung nhà ở xã hội.
Vẫn cần gỡ các điểm nghẽn
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân – công ty được mệnh danh là “ông trùm” nhà ở xã hội phía Nam, từng nhận định (trong đại hội cổ đông thường niên của công ty) các chính sách tốt đang mang lại cho phân khúc nhà ở bình dân thời cơ “10 năm có một”.
“Thời gian qua, có người muốn rót đến 1.000 tỷ vào Hoàng Quân để làm nhà ở xã hội, có người muốn rót 200 tỷ đồng… Tôi tin rằng với sự ủng hộ này, cùng những chính sách mới thì nhà ở xã hội sẽ phát triển”, ông Quân cho hay.
Cần phải nói thêm, có một điều dễ thấy là thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp lớn khác trong ngành như Vinhomes, Hưng Thịnh, Thắng Lợi, Đồng Tâm… đã có động thái “nắn” lại dòng vốn vào phân khúc nhà vừa túi tiền, trong đó có nhà ở xã hội.
Những động thái quyết liệt của Chính phủ, cùng quyết tâm của các doanh nghiệp đầu ngành, rõ ràng đem lại nhiều hy vọng hơn cho người mua nhà.
Tuy nhiên, những bài học trong quá khứ vẫn còn nguyên vẹn. 10 năm trước, khi bất động sản rơi vào khủng hoảng, nhà ở xã hội cũng được thổi bùng lên như một cứu cánh để vực dậy thị trường. Nhưng đến nay, kết quả thì ai cũng thấy rõ.
Vì vậy, để kịch bản cũ không lặp lại, theo chuyên gia, vẫn cần nhanh chóng “cởi trói” những quy định về thủ tục đầu tư, quỹ đất, lãi suất… nhằm thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia. Đặc biệt là để nhà giá rẻ thực sự… rẻ.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Lê Thành khẳng định câu chuyện của nhà ở xã hội là cần “gỡ vướng”. Vướng ở đây trước hết là luật và pháp lý, sau là vốn và quỹ đất. Chỉ khi các vấn đề này được tháo gỡ, doanh nghiệp mới có nhiều động lực để làm.
Đồng quan điểm, Phó Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng, ông Mai Thanh Tùng, cho hay TP.HCM đang triển khai 6 dự án nhà ở xã hội, tuy nhiên, các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, nên chưa thu hút được nhà đầu tư.
Cụ thể, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội còn phải thực hiện thêm hàng loạt thủ tục liên quan khác…
Bên cạnh đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được. Thêm vào đó, thủ tục điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 mất nhiều thời gian….
Theo đó, để kéo doanh nghiệp hướng về phát triển nhà ở thương mại giá vừa túi tiền, việc đầu tiên là cần định danh cho loại hình này. Bên cạnh khơi thông pháp lý, cũng cần có cơ chế, chính sách ưu đãi riêng khuyến khích chủ đầu tư tham gia như: ưu tiên các dự án nhà ở giá thấp tại những vị trí có giao thông kết nối thuận lợi, không quá xa trung tâm đô thị.
Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ về tiền thuế, thực thi có hiệu quả quy định về đánh thuế với căn nhà thứ 2, thứ 3 của mỗi cá nhân để giảm áp lực đầu cơ…
Hưng Nguyên