Mẫu ô tô chạy điện đầu tiên của Xiaomi sẽ là xe sedan hoặc SUV, giá dao động từ 100.000 đến 300.000 yuan (15.300 USD đến 45.900 USD), theo người sáng lập Xiaomi Lei Jun. Khi ra mắt, nó có thể trở thành đối trọng của Tesla tại thị trường tỷ dân.
Ông Lei hé lộ thông tin về mẫu xe điện rất được quan tâm của hãng trong một phiên live-stream trên nền tảng Douyin, đúng một tuần sau khi hãng công bố tham gia thị trường xe điện. “Chiếc ô tô đầu tiên chắc chắn không phải là một chiếc xe thể thao hoặc nhà di động; nó sẽ là một chiếc sedan hoặc SUV“, Lei nói. Ông cũng chia sẻ thêm rằng kế hoạch của hãng mới ở giai đoạn khởi động và các chi tiết cụ thể sẽ tiếp tục được làm rõ sau.
Cũng theo Lei, hầu hết người dùng Internet tham gia khảo sát của Xiaomi mong muốn họ ra mắt một mẫu xe mang thương hiệu Xiaomi. Khoảng 45% người dùng muốn Xiaomi sản xuất sedan; 40% chọn SUV. 2/3 số người được hỏi muốn hãng sản xuất xe và bán với giá hơn 15.000 USD, chỉ 8% mong muốn giá trên 45.000 USD. “Người dùng muốn Xiaomi sản xuất xe điện dòng trung và cao cấp”, Lei nói.
Tham gia thị trường xe điện cũng mang đến nhiều kỳ vọng mới cho Xiaomi, vốn khởi đầu là một hãng smartphone giá rẻ. Người dùng mong muốn Xiaomi tiếp tục tạo ra những mẫu xe điện giá hời dành cho phần đông người dùng. Rất nhiều người đều coi chiếc smartphone đầu tiên của Xiaomi – mẫu Mi 1 giá 300 USD là model định hướng thị trường lúc bấy giờ.
Mức giá CEO Lei Jun đưa ra cho mẫu xe điện tương lai được xem là “thân thiện” với số đông người dùng, theo Li Lianfeng – nhà nghiên cứu của IDC. Theo chính sách mới nhất của chính phủ Trung Quốc về các phương tiện sử dụng năng lượng mới (NEV), người dùng chỉ nhận được trợ giá khi mua các mẫu xe có giá dưới 45.900 USD. Điều này đồng nghĩa các mẫu xe điện cao cấp như Tesla Model S (122.000 USD) hay NIO EC6 (56.200 USD) không nhận được trợ giá.
Trong khi hầu hết nhà sản xuất xe điện hiện nay tập trung vào 2 phân khúc là cao cấp và giá rẻ, “model phổ biến nhất tại Trung Quốc sẽ có giá từ 15.300 USD đến 38.200 USD; chúng sẽ có doanh số tốt nhất“, Li Lianfeng cho biết.
Tham gia vào thị trường xe điện, Xiaomi phải đối mặt với thách thức lớn từ các nhà sản xuất đã thành danh. Tesla – gia nhập thị trường Trung Quốc từ năm 2013, hiện thống trị phân khúc sedan chạy điện cao cấp tại đây. Năm ngoái, hãng này bán ra 140.000 chiếc Model 3 tại Trung Quốc, giá từ 38.200 USD, theo số liệu của Canalys.
Trong khi đó, ở phân khúc giá rẻ, HongGuang Mini EV của Wuling Motors chính là mẫu xe bán chạy thứ 2 với 119.000 chiếc trong năm ngoái. Giá bán của nó chỉ khoảng 4.600 USD. “Với việc các thương hiệu cao cấp đang muốn hạ giá sản phẩm để tiếp cận nhiều người dùng hơn trong khi thương hiệu giá rẻ đang cải tiến các tính năng thông minh, phân khúc tầm trung sẽ đối mặt sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn“, Li Lianfeng cho biết.
Xe điện chiếm khoảng 6,3% toàn bộ lượng ô tô con bán ra tại Trung Quốc trong năm ngoái, theo Canalys. Con số này được cho sẽ tăng mạnh trong các năm tới nhờ chính sách thúc đẩy năng lượng sạch của chính phủ. Doanh số xe điện tại Trung Quốc có thể đạt 1,9 triệu chiếc trong năm nay.
Theo SCMP, xe điện của Xiaomi cần ít nhất 3 năm nữa để chính thức đến tay khách hàng. CEO Lei Jun cho biết tầm nhìn của hãng là kết hợp kinh nghiệm trong lĩnh vực smarthome để tạo ra điểm nhấn cho những chiếc xe này. Chẳng hạn, xe điện tích hợp sẵn tính năng lọc không khí có thể khiến người dùng tại một số thành phố có mức độ ô nhiễm cao cảm thấy thích thú.
Cũng trong buổi livestream, Lei Jun cho biết hãng chỉ cần 75 ngày để nghiên cứu và thảo luận trước khi quyết định theo đuổi dự án xe điện. Thực tế, Lei là người yêu thích xe điện. Ông là nhà đầu tư của 2 hãng xe điện Xpeng và NIO. Ông cũng đã gặp CEO Elon Musk của Tesla vào năm 2013. Ông cho biết đã học hỏi được nhiều điều từ các công ty này.
Tuần trước, Lei được cho đã mời nhà sáng lập của một số hãng xe điện lớn tại Trung Quốc gồm Xpeng, NIO, BYD và Li Xiang One tham dự Huaxia Alumni Assocication – một câu lạc bộ tỷ phú, theo báo chí Trung Quốc.
Xiaomi hiện là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới. CEO Lei Jun cho biết dự án sản xuất ô tô điện sẽ là “dự án kinh doanh cuối cùng” của cuộc đời ông. Công ty này dự định tung khoản đầu tư ban đầu là 1,5 tỷ USD, sau đó nâng dần lên 10 tỷ USD trong 10 năm tới cho dự án xe điện.
Đức Nam
Theo Soha (Tham khảo nguồn: SCMP)