Quý 1/2021 chứng kiến có một số thay đổi về thứ hạng thị phần của top 5 công ty chứng khoán, ông đánh giá như thế nào về cuộc chiến thị phần giữa các CTCK cũng như chiến lược của VCSC trước bối cảnh cạnh tranh trên?
Công ty chứng khoán có 4-5 mảng hoạt động cốt lõi. Thu nhập của các công ty chứng khoán càng đa dạng sẽ càng tốt. VCSC là 1 trong số rất ít các công ty chứng khoán có nguồn thu đa dạng và khá cân bằng do chúng tôi vừa vừa có thị phần hàng đầu rõ rệt ở mảng ngân hàng đầu tư, vừa có thị phần môi giới thuộc top các công ty hàng đầu.
Tuy nhiên, hiện chỉ có hoạt động cho vay margin và đặc biệt là hoạt động môi giới là được công khai về số liệu và thị phần định kỳ, nên vấn đề thị phần môi giới của công ty chứng khoán được đề cập thường xuyên và được chú ý nhiều nhất, có thể sẽ tạo ra cảm giác đó là hoạt động nổi bật hoặc toàn bộ hoạt động của công ty chứng khoán.
Trong cơ cấu kinh doanh của VCSC, mảng môi giới thường chỉ đóng góp khoảng 10-20% lợi nhuận, nên môi giới cũng là mảng hoạt động quan trọng nhưng không phải là mảng mà chúng tôi phải dành toàn bộ nguồn lực để tập trung. Chúng tôi không đặt nặng việc phải duy trì được thứ bậc cao trên bảng xếp hạng thị phần bằng mọi giá vì ba nguyên nhân chính.
Chúng tôi luôn ưu tiên việc hiệu quả sử dụng vốn cổ đông, việc hy sinh lợi nhuận, hoặc nâng cao rủi ro trong hoạt động margin để lấy thị phần không phải là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng về lâu dài thì các CTCK có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng cao và các cơ hội đầu tư tốt sẽ có giá trị hơn rất nhiều đối với khách hàng thay vì chỉ đơn thuần giảm phí giao dịch.
Một số yếu tố khác cũng đang tác động mạnh đến thị phần như các giao dịch mua/bán cổ phiếu cơ sở liên quan đến nghiệp vụ phái sinh hay tình trạng nghẽn lệnh và giới hạn số lệnh của HOSE cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến các công ty chứng khoán trong việc duy trì và gia tăng thị phần theo ý muốn.
Nhiều CTCK đã lên kế hoạch huy động vốn từ cổ đông để đáp ứng nhu cầu cho vay margin. Xin ông cho biết vì sao VCSC không đưa ra kế hoạch tăng vốn tương tự mà chỉ tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành với tỷ lệ 1:1 từ nguồn vốn chủ sở hữu?
Như đã nói ở trên, chúng tôi luôn đặt hiệu quả sinh lời của vốn cổ đông là ưu tiên hàng đầu và việc huy động vốn cũng phải nằm trong mục đích này. Đối với chúng tôi, chi phí vốn chủ vẫn luôn đắt hơn chi phí vốn vay, do đó chúng tôi sẽ tập trung sử dụng hết hạn mức trong điều kiện cho phép trước khi huy động động từ các cổ đông.
Ngoài ra, đối với hoạt động cho vay margin hiện nay, VCSC vẫn đang tích cực tìm kiếm nguồn vốn vay với lãi suất thấp từ các từ các tổ chức trong nước và nước ngoài, trong điều kiện lãi suất thấp được duy trì. Chúng tôi cho rằng xu hướng vay vốn giá rẻ này sẽ tiếp tục trong thời gian tới và qua đó giúp cho việc dùng vốn vay tài trợ hoạt động cho vay margin với biên lợi nhuận từ 3-5% sẽ hiệu quả hơn nhiều so với dùng vốn chủ sở hữu.
Ngoài ra, quy định mới cho phép dư địa đi vay của công ty chứng khoán tăng lên gấp 5 lần vốn chủ sở hữu, thay vì 3 lần như trước kia. Hiện tại, VCSC vẫn chưa sử dụng hết hạn mức này, dư nợ margin cua VCSC chỉ vào khoảng trên dưới 3.500 tỷ, tương đương 75% vốn chủ sở hữu.
Cũng phải lưu ý ở đây là sẽ không có công ty chứng khoán nào đạt được mức đòn bẩy tối đa là 5 lần do ngân hàng cho vay vẫn đánh giá đây là hoạt động rủi ro cao và là lĩnh vực không được khuyến khích, do đó, công ty chứng khoán tận dụng được đòn bẩy cao nhất hiện nay mới có dư nợ margin được 2 lần vốn chủ sở hữu.
Còn việc trả cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 1:1 ngoài việc tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, nó cũng cho thấy nội lực của VCSC, ngoài việc vẫn duy trì trả cổ tức 15-20%/năm bằng tiền mặt, trong quá khứ, trung bình khoảng 3 năm, chúng tôi lại trả cổ phiếu thưởng một lần, và thưởng không dưới 30%. Cũng xin lưu ý chúng tôi chỉ huy động vốn một lần duy nhất khi IPO năm 2017, còn lại nguồn vốn CSH chỉ xây dựng lên từ nguồn lợi nhuận tích lũy.
Trong ĐHCĐ năm nay VCSC đặt mức kế hoạch năm 2021 tăng trưởng mạnh với doanh thu 2.050 tỷ (tăng 19% so với 2020) và lợi nhuận trước thuế 1.250 tỷ (tăng 31% so với 2020). Đây rõ ràng là con số khá tham vọng trong bối cảnh VCSC không huy động thêm vốn như các công ty chứng khoán khác, vậy cơ sở của kế hoạch này là gì, thưa ông?
Kế hoạch kinh doanh trên được chúng tôi xây dựng trên cơ sở VN-Index sẽ dao động quanh mức 1.250 điểm vào cuối năm 2021. Việc dự báo thị trường và lập kế hoạch kinh doanh tương đối chính xác cũng là một trong những điểm mạnh nổi trội của VCSC. Nếu các bạn nhìn lại các kế hoạch chúng tôi lập từ năm 2015 so với kết quả thực tế chúng tôi đạt được các bạn sẽ thấy chúng tôi luôn hoàn thành kế hoạch trong 6 năm vừa qua, trong đó có 2 năm chúng tôi vượt mức kế hoạch trên 40% là 2017 và 2020 do thị trường tăng cao hơn mức mong kỳ vọng.
Cũng xin nói thêm là mặc dù kế hoạch năm nay khá tham vọng (không phải vì con số tuyệt đối, mà nếu hoàn thành kế hoạch này, VCSC sẽ có tỷ lệ ROE vượt trội, khoảng 25%, so các công ty chứng khoán khác) nhưng đây mới chỉ là năm khởi đầu của giai đoạn 2 tăng tốc của chúng tôi với mục tiêu đạt lợi nhuận sau thuế 3.600 tỷ trong 3 năm 2021-2023.
Mảng đầu tư hiện đóng góp tới ½ kết quả kinh doanh của năm 2020 vậy dự định của VCSC cho nghiệp vụ này như thế nào?
Chúng tôi kỳ vọng trong năm 2021 VCSC sẽ tái khởi động các thương vụ ngân hàng đầu tư (IB) lớn, hoạt động IB sẽ tiếp tục bứt phá và chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố vị thế trong nghiệp vụ này. Chúng tôi luôn xây dựng mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp trong nước, các quỹ đầu tư quốc tế và là đơn vị tư vấn cho rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu đang niêm yết tại Việt Nam.
Các hợp đồng nghiệp vụ ngân hàng đầu tư mà VCSC đang thực hiện có tổng giá trị giao dịch lớn ước tính khoảng hơn 50.000 tỷ đồng trong năm 2021 ở các lĩnh vực tài chính tiêu dùng, hàng tiêu dùng, bất động sản, logistics, nông nghiệp.v.v.
Lý do nào khiến VCSC đã rót gần 700 tỷ đồng vào Sữa Quốc tế và Napas trong năm 2020?
Chiến lược của VCSC đối với mảng đầu tư là tập trung vào các khoản đầu tư dài hạn vào các công ty mà chúng tôi nhận thấy có tiềm năng tăng trưởng lớn và có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo nguyên tắc thận trọng, hiện nay hầu hết các khoản đầu tư của chúng tôi được ghi nhận vào mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS).
Theo đó, chênh lệch nếu có giữa giá vốn đầu tư và giá thị trường sẽ được ghi vào vốn chủ sở hữu chứ không ghi thẳng vào thu nhập kinh doanh. Chỉ khi nào chúng tôi hiện thực hóa lợi nhuận thì mới ghi nhận thu nhập thực tế từ khoản lãi phát sinh.
Quý 1 năm nay là 1 năm khá thuận lợi cho ngành chứng khoán và cho cả VCSC. Lợi nhuận chúng tôi đạt được khoảng trên 350 tỷ trước thuế, tăng gần 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cũng như đã nói ở trên, con số này được ghi nhận theo quan điểm thận trọng vì trong danh mục AFS của chúng tôi, các cổ phiếu niêm yết có giá trị chênh lệch so với thị trường ở thời điểm 31/3 đã lên tới hơn 500 tỷ mà chúng vẫn chưa đánh giá lại các khoản đầu tư ở CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam NAPAS và Sữa quốc tế (IDP).
Do chưa có giá thị trường hợp lý nên hiện NAPAS và IDP vẫn được ghi nhận theo giá trị vốn gốc. Đây là những công ty mà chúng tôi đánh giá sẽ thành những doanh nghiệp có trị giá tỷ dollar chậm nhất vào năm 2022. NAPAS hiện là một trong những công ty quan trọng nhất và có lợi nhuận cao nhất của lĩnh vực fintech Việt Nam còn IDP cũng đã có sự chuyển biến ngoạn mục trong thời gian gần đây.
Mục tiêu của việc này là nhằm tránh áp lực trong ngắn hạn để theo đuổi những khoản đầu tư trong dài hạn nhằm tối đa hóa lợi ích cho cổ đông. Ví dụ, khoản đầu tư vào MWG của chúng tôi đã sinh lãi gấp 2 lần trong 4 năm qua nhưng vẫn chỉ ghi nhận ở danh mục AFS.
Theo Nhịp sống kinh tế