Sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung tại Đồng bằng sông Cửu Long
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ lúa Đông Xuân 2023 – 2024 diện tích gieo cấy được khoảng 2.959 nghìn ha, đạt 99,8% so với kế hoạch.
Sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh tư liệu: Thu Hiền/TTXVN |
Diện tích lúa đã thu hoạch đến nay ước khoảng 1.593 nghìn ha/2.959 nghìn ha gieo cấy, đạt khoảng 53,8%; trong đó, tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Nam, năng suất đạt khoảng 71 tạ/ha, sản lượng ước đạt 11,4 triệu tấn lúa.
Trong đó, lúa Đông Xuân sớm tại các tỉnh Bắc Trung bộ mới bắt đầu thu hoạch; còn tại các tỉnh phía Nam diện tích đã thu hoạch khoảng 1.593 nghìn ha; riêng vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên thu hoạch 143 nghìn ha; vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ đã thu hoạch khoảng 1.450 nghìn ha/1.565 nghìn ha đã xuống giống.
Với vụ lúa Hè Thu 2024, diện tích đã xuống giống được khoảng 570 nghìn ha, đạt khoảng 30% kế hoạch. Diện tích lúa Hè Thu đã xuống giống tập trung chính tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Cục Trồng trọt, diện tích sản xuất lúa năm 2024 ước khoảng 7,09 triệu ha; sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn lúa, giảm khoảng 35 nghìn tấn so với năm 2023. |
Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho biết, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu thụ nội địa.
Trong đó, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích gieo cấy ước đạt 3,838 triệu ha, năng suất bình quân ước 63,07 tạ/ha, sản lượng ước đạt 24,2 triệu tấn lúa.
Ông Cường cho hay, với con số này, tiêu thụ nội địa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh và sử dụng làm giống, thức ăn chăn nuôi… khoảng 9 triệu tấn. Lúa hàng hóa dùng cho xuất khẩu ước khoảng 15,2 triệu tấn, tương đương 7,6 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu.
“Trong tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024, lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước 4,38 triệu tấn, lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm ước 3,22 triệu tấn”, ông Nguyễn Như Cường cho biết.
Vẫn lo ngại hạn mặn ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch
Cũng theo ông Nguyễn Như Cường, hiện tượng hạn hạn, mặn có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2023 – 2024 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được dự báo từ sớm, do vậy ngày 14/9/2023 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu, vụ Thu Đông, vụ Mùa năm 2023; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2023 – 2024 vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại TP. Cần Thơ.
Tại hội nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất cùng các địa phương đưa ra các giải pháp ứng phó với điều kiện hạn mặn trong vụ Đông Xuân 2023 – 2024. Trong đó, có giải pháp về bố trí thời vụ gieo cấy lúa Đông Xuân 2023 – 2024 sớm (gieo sạ từ ngày 10 – 30/10/2023) đối với vùng ven biển Nam bộ các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang. Đây là những vùng có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ cần xuống giống sớm để né mặn, với kết quả trên đã hạn chế tối đa ảnh hưởng của hạn mặn đến sản xuất lúa.
Tuy nhiên, hiện nay có một số vùng sản xuất lúa bị ảnh hưởng của hạn mặn cuối vụ ở vùng đã xác định có nguy cơ bị hạn mặn cao. Nguyên nhân chính là do người dân gieo cấy muộn hơn lịch thời vụ đã khuyến cáo nên đã bị ảnh hưởng của hạn mặn ở giai đoạn cuối vụ gây ảnh hưởng đến năng suất. Cụ thể có 501,9 ha lúa Đông Xuân 2023 – 2024 gieo muộn bị thiệt hại tại 2 huyện Long Phú và Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng (diện tích thiệt hại từ 30 – 70% là 458,91 ha và trên 70% là 42,99 ha).
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp đã ban hành Chỉ thị số 661/CT-BNN-TL ngày 23/1/2024 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023 – 2024; Công văn số 449/TT-CCN, ngày 2/4/2024 của Cục Trồng trọt gửi các tỉnh, thành phía Nam về việc tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước;…
Năm 2024, dự kiến sản lượng lúa sẽ giảm khoảng 35 nghìn tấn so với năm 2023. Do đó, sản xuất lúa và cân đối lúa gạo xuất khẩu cần được chú trọng. Ông Nguyễn Như Cường cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo thu hoạch lúa vụ Đông Xuân tại các tỉnh phía Nam, chú ý diện tích lúa Đông Xuân có khả năng bị ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn để có các giải pháp chỉ đạo kịp thời, đảm bảo năng suất và sản lượng lúa.
Đồng thời, tận dụng tối đa nguồn nước để cung cấp cho cây trồng, sử dụng tiết kiệm nguồn nước trong hồ chứa phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó, cần tăng cường hướng dẫn nông dân thực hành, áp dụng kỹ thuật tưới “nông lộ phơi” theo Sổ tay hướng dẫn quy trình tưới lúa tiết kiệm nước. Rà soát những vùng không đủ nước tưới cho lúa, nhưng vẫn đảm bảo cho rau màu ngắn ngày, hoặc khai thác được nguồn nước bổ sung (nước ngầm, nước tận dụng hồ, đập, sông suối,,…) tiếp tục chuyển đổi sang gieo trồng cây ngô, lạc, rau đậu các loại.
“Các địa phương sản xuất lúa vụ Hè Thu sớm cần theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, xây dựng lịch thời vụ sản xuất cụ thể cho từng vùng để chủ động ứng phó với những diễn biến bất lợi của thời tiết, khí tượng thủy văn đối với sản xuất”, ông Nguyễn Như Cường khuyến nghị.
Ngày 26/4, tại Cần Thơ, sẽ diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Theo kế hoạch, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ đồng chủ trì Hội nghị. Nội dung của Hội nghị sẽ tập trung thảo luận việc triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới và Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 25/3/2024 của Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới; Đánh giá tình hình xuất khẩu gạo trong năm 2023 và quý I/2024 (kết quả xuất khẩu, thuận lợi, khó khăn,…); Đánh giá tình hình sản xuất, thu hoạch vụ Đông Xuân 2023/2024 và dự báo vụ Hè Thu 2024 (quy mô, sản lượng, chủng loại,…); tình hình cân đối cung cầu, mức tồn kho, dự trữ lúa gạo phục vụ xuất khẩu năm 2024; Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có bài tham luận về khả năng hỗ trợ tín dụng đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo năm 2024. Lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng sẽ có bài tham luận về đánh giá bối cảnh thương mại gạo toàn cầu, dự báo nhu cầu nhập khẩu của các thị trường truyền thống, trọng điểm đề xuất các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu gạo từ nay đến hết năm 2024.… |
https://kinhtengoaithuong.vn/thuong-mai