Theo ghi nhận của đơn vị đơn vị nghiên cứu và tư vấn thị trường Savills Việt Nam, từ cuối năm 2020, đơn vị này đã nhận được rất nhiều yêu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để mua khách sạn. Trong đó, nhu cầu lớn nhất đến từ phân khúc khách sạn hoặc quỹ đất có thể đầu tư khách sạn 4, 5 sao ở các thành phố như Hà Nội và TP.HCM của các nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn.
Ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao, Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam – cho biết, các thương vụ M&A, nhà đầu tư nước ngoài muốn nhắm đến các khách sạn 4 và 5 sao ở thành phố vì thấy cơ hội lớn khi Việt Nam mở cửa trở lại.
“Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra trên thị trường mua, bán khách sạn là trong khi nhiều nhà đầu tư muốn mua các tài sản ở phân khúc 4, 5 sao thì bên nắm giữ chưa muốn bán, còn đối với phân khúc 3 sao trở xuống chủ khách sạn rất muốn chuyển nhượng nhưng lại khó tìm người mua” – ông Khương cho biết.
Trong khi đó, theo ghi nhận của Sohovietnam – đơn vị chuyên tư vấn các thương vụ M&A bất động sản – ngay từ giữa năm 2020, nhu cầu của các nhà đầu tư đặt mua khách sạn tại Việt Nam tăng lên đã tăng lên với tổng số tiền sẵn sàng đầu tư nằm trong khoảng 8.000-10.000 tỉ đồng. Đơn vị này cho biết, xét trên khía cạnh M&A, thị trường khách sạn và du lịch Việt Nam đang là một trong những địa điểm hàng đầu được giới đầu tư quan tâm.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Nguyễn Hoài An – Giám đốc CBRE Việt Nam – chi nhánh Hà Nội cho biết, thị trường du lịch và khách sạn đã có một thời gian rất khó khăn dưới tác động của dịch bệnh làm hạn chế đáng kể nguồn khách du lịch. Khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát, nhiều điểm du lịch đã bắt đầu đón lượng khách trong nước dần quay trở lại, phần nào giúp cho các khách sạn giảm bớt khó khăn.
Tuy nhiên, việc giảm sút công suất phòng, cũng như việc thị trường chưa hồi phục hoàn toàn đã và đang khiến cho nhiều khách sạn phải tái cơ cấu, đóng cửa, hoặc chỉ duy trì một phần hoạt động, nhất là các khách sạn có tiềm lực tài chính không quá lớn. Trong bối cảnh này, một số nhà đầu tư có tài sản là khách sạn phải cân nhắc việc cơ cấu lại danh mục để cân đối nguồn lực cho các hoạt động kinh doanh có hiệu quả cao hơn.
“Trong khi đó, một bộ phận các nhà đầu tư khác, nhất là các nhà đầu tư mong muốn gia nhập thị trường nhìn thấy các tiềm năng trung và dài hạn của BĐS du lịch và khách sạn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều dấu hiệu sớm được kiểm soát trên phương diện quốc tế khi vắc xin được áp dụng đại trà. Đây sẽ là các nhà đầu tư tích cực tìm kiếm các cơ hội mua lại tài sản khách sạn tại các địa phương có nhiều triển vọng phục hồi du lịch sớm trong thời điểm này” – Giám đốc CBRE Việt Nam cho biết.
Theo bà An, khách du lịch trong nước đã và đang quay trở lại với các điểm du lịch ưa thích như Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang… Rủi ro lớn nhất và gần như duy nhất với đà phục hồi của thị trường du lịch trong nước là liệu có hay không một đợt dịch bùng phát như những gì chúng ta mới nhìn thấy gần đây tại Thái Lan, Hàn Quốc.
Nếu tình hình tiếp tục được kiểm soát tốt, thị trường có thể hy vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ đến từ khách du lịch trong nước từ giờ tới hết năm, do nguồn khách du lịch trong nước chiếm tới khoảng 80% tổng lượng khách du lịch trước giai đoạn đại dịch.
“Với các khách sạn và điểm nghỉ dưỡng trước đây có nguồn khách chính là khách nước ngoài, sự phục hồi hoàn toàn sẽ phải mất nhiều thời gian hơn do việc tự do di chuyển giữa các quốc gia sẽ khó có thể phục hồi hoàn toàn cho tới khi vắc xin được triển khai trên diện rộng trên quy mô toàn cầu, cũng như thực sự có bằng chứng về việc giảm hẳn các ca nhiễm mới. Tới lúc đó, các khách sạn và điểm nghỉ dưỡng này sẽ cần tái định vị tạm thời, để hướng tới đối tượng khách du lịch trong nước để có thể duy trì hoạt động trong giai đoạn này”- bà An nhận định.
Theo Diệu Hoa
Diễn đàn Doanh nghiệp