Cơn sốt đất nền “hạ nhiệt”
Thời gian vừa qua, giá đất nền tại nhiều tỉnh, thành được đẩy lên cao, thậm chí gấp đôi, gấp ba so với giá trước đây. Điển hình, giá đất thổ cư có nơi tăng gấp 5 lần so với đầu năm 2020. Nhiều người bỏ cả công việc để lao vào cơn sốt mua bán đất.
Trước thực trạng này, một loạt lãnh đạo các địa phương đã ra văn bản chấn chỉnh, siết việc giao dịch đất đai bất hợp pháp. Kết quả là trong 2 tuần trở lại đây, tình hình giao dịch đất nền trên thị trường đã chững lại.
Tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, tình hình giao dịch bất động sản hiện khá yên ắng, sau cơn sốt đất “dậy sóng”, tăng 20 – 30% vài tuần trước. Nguyên nhân là do có thông tin thị xã này sẽ trở thành TP Từ Sơn, trực thuộc tỉnh vào cuối năm nay. Giá đất tại nhiều khu vực hiện cao ngang với đất tại một số quận mới của Hà Nội.
“Hy vọng là Chính phủ cũng như tỉnh kiềm chế được giá đất, bình ổn giá để người dân có tiền đầu tư cũng như mở rộng sản xuất”, bà Vũ Thị Mai, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, bày tỏ.
Trước thông tin sốt đất, lãnh đạo thị xã Từ Sơn đã ngay lập tức chỉ đạo các giải pháp để chặn tình trạng sốt đất.
“Trong tuần này, chúng tôi sẽ trình lên các cơ quan trung ương, đề nghị các cơ quan trung ương thẩm định việc thành lập thành phố Từ Sơn. Ngay sau khi Tỉnh ủy UBND tỉnh chỉ đạo kiềm chế hiện tượng sốt đất ảo, thị xã Từ Sơn rà soát lại tất cả dự án bất động sản, công khai quy hoạch và yêu cầu các đơn vị phải thực hiện đúng quy định”, ông Lê Xuân Lợi, Bí thư Thị ủy thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nhận định.
Tại các địa phương khác như: các huyện ngoại thành Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Bình Phước, Quảng Ninh, giao dịch đất nền cũng đã chậm lại. Những cảnh tập trung đông người tấp nập mua bán, đi xem đất đã giảm bớt, thậm chí là vắng vẻ hoàn toàn. Tuy nhiên theo ghi nhận, giá đất vẫn neo ở mức cao, có chăng chỉ giảm 1 – 2 triệu đồng/m2.
“Cơn sốt đất tại các tỉnh đã diễn ra được một thời gian. Dù hiện nay đã hạ nhiệt, nhưng vẫn cần một thời gian nhất định để giá có thể hạ xuống”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho hay.
Giới quan sát dự báo, tình trạng giá cao khó giữ được lâu khi người bán thì nhiều, mà người mua thì ít, bởi nhiều địa phương đã siết chuyển nhượng các dự án chưa đủ tính pháp lý, hoặc tạm dừng tách thửa đất nông nghiệp. Riêng các lô đất đã có pháp lý rõ ràng, nằm trong khu vực tiềm năng phát triển, được cho là sẽ tiếp tục giữ giá.
Các chuyên gia đánh giá, so với các đợt sốt đất lần trước, đợt sốt lần này diễn ra khá nhanh, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ phía các địa phương.
Các cơ quan chức năng bàn cách “chặn” sốt đất
Tuy cơn sốt đất đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng theo giới quan sát, trong bối cảnh hiện nay, khi có nhiều dòng tiền chảy vào bất động sản như: kiều hối, tiền chốt lời chứng khoán, tiền lãi trái phiếu, vốn FDI…, cơn sốt đất rất dễ dàng bùng phát trở lại. Đại diện Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đều có phản hồi với phóng viên VTV về các giải pháp “chặn” sốt đất.
Một trong những nguyên nhân đất sốt nóng, giá tăng cao là do việc thiếu nguồn cung. Nhiều dự án bị vướng mắc về thủ tục pháp lý kéo dài 2 – 3 năm. Bởi vậy, một trong những giải pháp được Bộ Xây dựng nêu ra là cần tăng nguồn cung nhà ở, đặc biết là nhà có giá trung bình.
“Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là tháo gỡ về mặt trình tự, thủ tục đầu tư. Chúng tôi khuyến cáo người dân chỉ nên giao dịch với các dự án pháp lý rõ ràng”, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho hay.
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tín dụng bất động sản không phải là nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản thời gian qua, bởi dòng vốn cho vay bất động sản được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ và có xu hướng giảm dần trong 3 năm qua.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tăng cường quản lý hoạt động cho vay, tránh tình trạng vay vốn vì mục đích khác nhưng lại đổ tiền vào bất động sản.
“Chúng tôi đang kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản, đặc biệt là phân khúc thị trường cao cấp và chúng tôi có công cụ trực tiếp, gián tiếp quản lý”, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khẳng định.
Nhiều ý kiến đề xuất xây dựng dữ liệu quốc gia về giá đất. Kho thông tin này sẽ được số hóa. Người mua có thể tra cứu thông tin giống như tại một thư viện, với đầy đủ thông tin về những người từng thực hiện giao dịch tại mảnh đất, với giá cả biến động như thế nào.
“Khi có dữ liệu quốc gia về giá đất, dưới dạng số hóa các thông tin giao dịch, giá cả thì có thể hạn chế được việc giá đất tăng bất thường. Mọi người có thể điều tra được lý do tại sao giá tăng. Ví dụ ở nước Anh, họ có dữ liệu lưu trữ thông tin về đất đai như vậy. Người kinh doanh và cả chính quyền địa phương sẽ đều nắm được thông tin”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cũng có chung nhận định, đội môi giới, cò đất chính là nhân tố quan trọng gây sốt đất thời gian qua, có những hội nhóm được thành lập, kéo đi “đánh sóng đất” địa phương này, sang địa phương khác với nhiều chiêu thức tinh vi, phức tạp. Đã đến lúc cần giải pháp quản lý mạnh tay với các môi giới trên thị trường.
Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, diễn biến giá bất động sản thời gian tới vẫn còn một ẩn số, khi kênh đầu tư bất động sản được coi là an toàn, hiệu quả, không chỉ tại Việt Nam, mà còn là tâm lý chung tại nhiều nước trên thế giới.
Các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm cho rằng, nếu giá bất động sản tăng hoặc giao dịch nhộn nhịp tại các dự án rõ ràng tính pháp lý, thì không có gì đáng bàn cãi. Tuy nhiên thực tế cho thấy, các giao dịch, chiêu trò “thổi giá” lại hoành hành tại các dự án chưa xong thủ tục pháp lý, thậm chí tự phân lô bán nền để bán, hoặc là thu gom đất nông nghiệp để mua bán sang tay. Đây là những rủi ro tiềm ẩn rất cần sự can thiệp từ phía các cơ quan quản lý.
Theo VTV Digital