Ngày 10/4, Nghị quyết số 725/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức có hiệu lực, thị xã Tân Uyên chính thức trở thành thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương.
Là địa bàn nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bình Dương, Tân Uyên tiếp giáp với 4 thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Đây là lợi thế để địa phương này thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại.
Thành phố Tân Uyên tương lai được kỳ vọng có bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế – xã hội, đô thị hóa và hạ tầng giao thông.
Sau khi đạt chuẩn đô thị loại 3 vào 2018, kinh tế Tân Uyên đã phát triển mạnh mẽ với bàn đạp là lĩnh vực công nghiệp. Nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương này luôn duy trì ở mức hai con số.
Sau khi thành lập, thành phố Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 phường: Hội Nghĩa, Khánh Bình, Phú Chánh, Tân Hiệp, Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp, Thái Hòa, Thạnh Phước, Uyên Hưng, Vĩnh Tân và 02 xã: Bạch Đằng, Thạnh Hội.
Trong những năm qua, Tân Uyên đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 12,57%/năm, trong đó ngành công nghiệp phát triển dẫn đầu.
Hiện nay, Tân Uyên có 2 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp với 1.866 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đăng ký 32.560,507 tỷ đồng; 637 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 5.297,55 triệu đô la Mỹ. Cơ cấu kinh tế công nghiệp – thương mại, dịch vụ – nông nghiệp với tỷ trọng lần lượt là 64,17% – 34,6% – 1,23%.
Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng ước đạt 32.996 tỷ đồng, tăng 12,08% so với cùng kỳ năm 2021.
Tân Uyên đang có 2 dự án Khu công nghiệp Việt Nam –Singapore lớn nhất Bình Dương và cả nước là VSIP II có quy mô 2.045ha và VSIP III quy mô hơn 1.000ha, có tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến là 6.407 tỷ đồng. Sắp tới, khu công nghiệp VSIP III sẽ được xây dựng với quy mô khoảng 1.000 ha, tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến hơn 6.400 tỷ đồng.
Mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển thành phố Tân Uyên trở thành một trung tâm lớn phía Nam tỉnh Bình Dương về công nghiệp, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hoá – du lịch; đô thị mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Dương, thu hút người dân từ Tp.HCM đến sinh sống và làm việc. Không gian liên kết giữa đô thị Tân Uyên và đô thị Bình Dương cũng như Tp.HCM và thành phố Biên Hòa sẽ được kết nối thành một đại đô thị phía Nam, là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh và của vùng.
https://kinhtengoaithuong.vn/kinh-doanh