Telegram đã thu về hàng trăm triệu USD và gần đạt lợi nhuận, thậm chí đang hướng tới một IPO “bom tấn” theo kỳ vọng của CEO Pavel Durov.
Hôm 24/8, CEO kiêm nhà sáng lập ứng dụng nhắn tin Telegram Pavel Durov bị bắt tại sân bay Paris-Le Bourget, ngoại ô Paris khi đến đây bằng máy bay riêng. Theo kênh truyền hình TF1, ông bị tạm giữ với cáo buộc Telegram tiếp tay cho các hành vi phạm tội, do nền tảng này không có đủ người kiểm duyệt.
Telegram được Durov sáng lập năm 2013, đặt trụ sở tại Dubai. Ông tạo ra ứng dụng nhắn tin mã hóa này để tránh bị chính phủ “nhòm ngó” dữ liệu.
Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times hồi tháng 3, Durov tiết lộ Telegram đã trở thành một trong những ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới. Công ty này có doanh thu “hàng trăm triệu USD” sau khi áp dụng chính sách quảng cáo và dịch vụ trả phí Telegram Premium cách đây hai năm.
“Chúng tôi kỳ vọng có lãi trong năm tới, nếu không muốn nói là có thể ngay trong năm nay”, ông cho biết. Durov cũng nói rằng nền tảng này đã có 900 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, tăng từ mức 500 triệu người hồi đầu năm 2021.
Theo Reuters, Durov từng được ca ngợi là “Mark Zuckerberg của Nga” sau khi đồng sáng lập ra VKontakte (VK), mạng xã hội phổ biến nhất nước này năm 2007. Ông cũng nhiều lần công khai ủng hộ quyền tự do ngôn luận. Durov hiện có tài sản 15,5 tỷ USD, theo Forbes. Tạp chí này đưa ông vào danh sách tỷ phú từ năm 2018, với 1,7 tỷ USD.
Durov sở hữu hoàn toàn Telegram. Ông từng cho biết công ty được các nhà đầu tư tiềm năng, trong đó có các quỹ đầu tư công nghệ toàn cầu, “định giá hơn 30 tỷ USD”. Dù vậy, ông không muốn bán Telegram và hướng tới IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng). “Chúng tôi tìm cách kiếm tiền từ ứng dụng là để duy trì sự độc lập. IPO là cách hợp lý”, ông cho biết.
Nếu Telegram niêm yết trên sàn chứng khoán muộn nhất là tháng 3/2026, trái phiếu của hãng sẽ được chuyển thành cổ phiếu, thấp hơn 10-20% giá IPO. Đây cũng là động lực để họ sớm IPO. Ngoài ra, Durov cho biết nền tảng sẽ cân nhắc bán một phần cổ phiếu cho người dùng trung thành. Chính sách này tương tự mạng xã hội Reddit (Mỹ) trong IPO hồi tháng 3. Telegram cũng đang cân nhắc tung ra chatbot AI, để tham gia làn sóng trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu.
Telegram là ứng dụng được cộng đồng tiền số ưa chuộng. Khác với các nền tảng nhắn tin khác chủ yếu kiếm tiền từ quảng cáo, Durov ban đầu phát triển ứng dụng này theo hướng kiếm tiền từ tiền điện tử. Tháng 1/2018, ông ra mắt tiền số có tên Gram và nền tảng TON. Các dự án này lập tức huy động được 1,7 tỷ USD, nhưng sau đó bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) yêu cầu dừng vì lách luật tài chính nước này.
Hiện tại, chi phí hàng năm của ứng dụng này chưa tới 0,7 USD cho mỗi người dùng, Durov cho biết. Để tăng doanh thu, hãng đã thử nghiệm quảng cáo tại một số khu vực. Khách hàng quảng cáo phải chi 1-10 triệu euro trên nền tảng này. Năm nay, họ dự định mở rộng chính sách này ra toàn cầu, tiếp cận các khách hàng nhỏ hơn.
Hồi tháng 3, Telegram ra mắt dịch vụ chia sẻ 50% doanh thu quảng cáo với nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng của mình. Họ còn áp dụng chính sách tài khoản dành riêng cho doanh nghiệp. Dù vậy, việc hãng tìm doanh thu từ quảng cáo được đánh giá là xung đột với mục đích ra đời của họ, là nội dung ít bị kiểm duyệt.
Sau 13 năm hoạt động, nền tảng này hiện có khoảng 50 nhân viên toàn thời gian. Đến nay, họ đã vay khoảng 2 tỷ USD. Trong đó, 1 tỷ USD trái phiếu phát hành năm 2021 và 270 triệu USD phát hành năm 2023.
Vài năm qua, Telegram ngày càng phổ biến, trở thành công cụ truyền thông cho nhiều chính phủ và quan chức. Đây cũng là kênh giao tiếp chính cho người dân ở các vùng xung đột. Dù vậy, các nhà nghiên cứu cũng nhiều lần cảnh báo việc nền tảng này không được kiểm duyệt nhiều có thể biến nó thành điểm nóng về tội phạm, khủng bố hoặc thông tin sai lệch. Hồi tháng 3, Durov cho biết Telegram có kế hoạch cải thiện quy trình kiểm duyệt năm nay, khi hàng loạt cuộc bầu cử sẽ diễn ra, đồng thời triển khai “cơ chế AI để giải quyết các vấn đề”.
Hà Thu (theo FT, Reuters)
https://kinhtengoaithuong.vn/kinh-doanh