Theo Tổng Giám đốc VPBank, khi nắm giữ tài sản đảm bảo là bất động sản, ngân hàng vẫn có thể thu hồi được nợ đã cho vay. Trong khi đó khi cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tài sản đảm bảo thường khó xử lý, khiến rủi ro tăng lên.
Ngân hàng thích cho vay BĐS vì ít nhất còn thu hồi được nợ
Tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 tổ chức vào sáng 20/2, Tổng Giám đốc VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh, đã giải thích nguyên nhân vì sao các ngân hàng lại ưu tiên lựa chọn cho vay bất động sản, thay vì các lĩnh vực ưu tiên.
Theo ông Vinh, mặc dù có những lo ngại về lĩnh vực bất động sản, nhưng nếu có giấy tờ, pháp lý rõ ràng thì khi cho vay, ngân hàng sẽ không bao giờ mất sạch, cùng lắm “mất 10 – 20% giá trị, không bao giờ mất hết, vẫn thu hồi được”. Còn với cho vay sản xuất kinh doanh, “mất là mất luôn”.
Theo Tổng Giám đốc VPBank, thứ mà các ngân hàng thu hồi được thường chỉ là nhà máy, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất …. Nhưng nếu ngay cả chính các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh còn không thể khiến những tài sản này sinh lời thì ngân hàng cũng đành “bó tay”.
Do vậy, mặc dù chủ trương của Nhà nước về hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp là đúng nhưng rủi ro đi kèm cũng rất lớn. “Nếu bình thường, nền kinh tế tốt thì không sao, nhưng khả năng mất là mất tất”, ông nói.
Bởi lý do trên, ngân hàng vẫn thích cho vay bất động sản, ông giải thích. “Cầm cái nhà vẫn có thể bán được, không bán được năm nay thì hai năm sau vẫn bán được. Còn cho vay những cái kia, khi doanh nghiệp vào đường túng quẫn thì tìm cách xù nợ, trong khi pháp luật lại thường bảo về người đi vay chứ không phải người cho vay”.
Cần gia hạn Thông tư 02, giải quyết pháp lý về thu hồi tài sản
Nhìn lại năm 2023 và dự báo 2024, Tổng Giám đốc VPBank cho rằng tình hình vẫn còn nhiều khó khăn. Ông cho biết sự tăng trưởng chỉ tập trung vào doanh nghiệp nước ngoài và đầu tư công, chỉ có số ít doanh nghiệp tư nhân trong nước có sự phát triển. Các ngân hàng cổ phần cũng bị ảnh hưởng khi đối tượng khách hàng là doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn, nhu cầu trong lĩnh vực cho vay bán lẻ cũng đi xuống.
Tổng Giám đốc VPBank khẳng định không phải ngân hàng không muốn cho vay. Trên thực tế, trước đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu giảm lãi suất, nhưng hiện nay các ngân hàng còn chủ động hạ lãi suất. Ông tiết lộ người nhà của mình đang đi vay mua nhà với lãi suất chỉ 5,9%/năm.
“Lãi suất là vấn đề thị trường, khi cung lớn hơn cầu thì lãi suất sẽ giảm. Lãi suất không phải là vấn đề lớn”, ông Vinh nhận định.
Trong năm vừa qua, các ngân hàng đã dự báo được tình hình khó khăn và có xu hướng thắt chặt điều kiện cho vay nhưng muốn tăng trưởng tín dụng thì có hai vấn đề là phải giảm lãi suất hoặc nới điều kiện cho vay.
“Nhìn vào các hộ kinh doanh có thể thấy đều kiệt quệ. Đi ra đường, cửa hàng đóng rất nhiều. Ngày xưa họ từng là khách hàng của ngân hàng nhưng giờ cũng chẳng có tiền và cũng chẳng ai dám cho vay nữa, cho vay rồi đâu có trả”, ông nói.
“Hay lao động ở Bình Dương, Đồng Nai thất nghiệp, các công ty tài chính cũng không dám cho vay. Cho vay rồi họ cầm tiền về quê, ăn hết rồi lại lên vay tiếp”, Tổng Giám đốc VPBank nêu lên thực trạng. “Rõ ràng chúng ta đang phải đối phó với rủi ro gia tăng”.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế, Tổng Giám đốc VPBank đề xuất gia hạn Thông tư 02, nhiều nhất là 12 tháng, kèm theo các điều kiện hợp lý để ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngoài ra, NHNN cần tiếp tục là đầu mối làm việc với các cơ quan khác để đưa ra những quy định về thu hồi nợ. Việc Nghị quyết 42 không được thể chế hóa thành luật pháp, trong khi Luật các TCTD (sửa đổi) cũng không có nhiều điều khoản về thu hồi nợ có thể gây khó khăn cho ngân hàng trong thời gian tới.
Ông Vinh lấy ví dụ rằng hoạt động thu hồi nợ đã bị thu hẹp, người thu hồi nợ nghỉ việc, công ty thu hồi nợ mất nhân sự và tê liệt hoạt động. Hậu quả là hoạt động tín dụng đen tăng lên.
“Trước đây, chúng ta cứ tranh cãi rằng lãi suất 35%/năm là cao hay thấp, giờ đây người dân phải vay với lãi suất hàng trăm %/năm”, ông cho hay.
Vị này cho rằng các chính sách không đồng bộ sẽ giết chết ngành tài chính tiêu dùng. Do đó, cần siết tín dụng đen, các hình thức kinh doanh bất hợp pháp trên thị trường nhưng cũng đồng thời hỗ trợ ngân hàng, tổ chức tài chính.