Thường trực Chính phủ yêu cầu làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan thiếu điện vừa qua để có hình thức xử lý phù hợp.
Yêu cầu này của Thủ tướng Phạm Minh Chính được nêu tại văn bản về đảm bảo cung ứng điện các tháng cuối 2023 và năm 2024, gửi Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp, các tập đoàn EVN, PVN, TKV.
Theo đó, Chính phủ nhận định cung ứng điện giai đoạn cuối mùa khô 2023 vừa qua gặp khó khăn. Khu vực miền Bắc xảy ra tình trạng thiếu điện, phải cắt luân phiên từ cuối tháng 5 đến 22/6. Việc này đã ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống người dân. Vì thế, thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến thiếu điện cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt.
Trước đó, từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6, miền Bắc thường xuyên bị mất điện. Nguyên nhân là sản lượng tiêu thụ tăng mạnh trong khi thủy điện, một trong hai nguồn cung chính bị sụt giảm huy động do hạn hán. Nhiều doanh nghiệp có nhà máy tại các khu công nghiệp phía Bắc bị cắt điện trong nhiều giờ, liên tục trong tuần.
Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính Việt Nam thiệt hại 1,4 tỷ USD vì đợt mất điện vừa qua tại các tỉnh phía Bắc.
Theo World Bank, miền Bắc đang gặp vấn đề về bất cân đối nguồn cung. Do nguồn điện khu vực này lệ thuộc chủ yếu vào thủy và nhiệt điện, chậm đầu tư hệ thống truyền tải, trong khi nhu cầu sử dụng tại miền Bắc tăng nhanh mỗi năm.
Báo cáo gửi Chính phủ cuối tháng 6, EVN cho biết nhu cầu sử dụng điện của miền Bắc tăng bình quân 10% một năm, tương đương 2.400-2.900 MW. Nhưng các nguồn điện mới dự kiến đưa vào vận hành trong 2024 và 2025 lần lượt 780 MW và 1.620 MW, tức chỉ bằng 30-50% nhu cầu. Do đó, EVN cho rằng cung ứng điện cho miền Bắc tới 2025 vẫn gặp khó khăn, nhất là giai đoạn cuối mùa khô khi mức nước các hồ thủy điện xuống thấp.
EVN cho biết sẽ kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan trong việc phải tiết giảm điện thời gian qua để rút kinh nghiệm, khắc phục. Tập đoàn này cũng đang tính toán, phân tích kịch bản và nghiên cứu giải pháp để thực hiện tốt hơn cung ứng điện các năm tới.
Về kế hoạch cung ứng điện các tháng cuối năm nay và 2024, Thủ tướng lưu ý cần căn cứ vào tăng trưởng nền kinh tế để dự báo nhu cầu điện sát thực tế và cân đối cung – cầu, huy động nguồn lực của hệ thống (nguồn, lưới truyền tải, phân phối và nhập khẩu) nhằm tối ưu giá sản xuất điện.
Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chung về chỉ đạo thực hiện kế hoạch cung ứng, vận hành ổn định hệ thống và khắc phục nhanh các sự cố nguồn điện (nhất là nhiệt điện) trong nước. Các tập đoàn EVN, PVN và TKV rà soát, cập nhật kế hoạch này, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8.
Bộ này cũng được giao cùng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án đường dây truyền tải 500 kV từ Quảng Trạch tới Phố Nối (Hưng Yên). Dự án này cần hoàn thành trong tháng 6/2024 để tăng năng lực truyền tải từ Nam ra Bắc.
Với các dự án nguồn, lưới điện chậm tiến độ, Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền chế tài xử lý. Trong tháng 8, Bộ này phải báo cáo Chính phủ về sửa Luật Điện lực, trong đó có các quy định về cơ chế, chính sách mua bán điện (gồm mua bán điện trực tiếp – DDPA) với năng lượng tái tạo; cơ chế đầu tư, sản xuất, kinh doanh, vận hành của ngành điện theo thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, cạnh tranh, minh bạch.
Theo vnexpress