Dự báo phân khúc xe ô tô giá rẻ trong thời gian tới có thể sẽ tăng trưởng nóng, khuấy đảo thị trường trong quý II/2021, đặc biệt là các mẫu xe xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia… thuộc diện hưởng thuế nhập khẩu 0%. Dù vậy, mặt bằng giá bán xe nhập trên thị trường vẫn cao hơn các nước trong Đông Nam Á.
Ô tô nhập ồ ạt về Việt Nam
Nếu so với năm ngoái, lượng xe nhập về Việt Nam trong tháng 3/2021 tăng hơn 5.000 chiếc (xấp xỉ 30%), đạt mức cao nhất kể từ năm 2019, đồng thời xác lập kỷ lục mới kể từ khi Nghị định 116 gồm các quy định mới liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu ô tô bắt đầu được áp dụng.
Trước đó, trong tháng 2/2021, lượng ô tô nhập khẩu là 10.039 chiếc, trị giá tương ứng đạt 209 triệu đô la, trong đó xe có xuất xứ từ thị trường Thái Lan với 5.196 chiếc; từ Indonesia với 3.300 chiếc và từ Trung Quốc với 589 chiếc. Tổng số ô tô nhập khẩu từ 3 thị trường này chiếm tới 90% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 2.
Với kết quả nêu trên, theo cơ quan hải quan, tính chung quý I/2021, cả nước nhập khẩu khoảng 35.000 xe ô tô các loại, trị giá đạt 771 triệu đô la, tăng 31,1% về lượng và tăng 35% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Có ý kiến lý giải rằng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tăng cao là các nhà kinh doanh muốn lấy lại lợi thế chuộng xe nhập khẩu nguyên chiếc của nhiều người tiêu dùng khi mà chính sách ưu đãi 50% phí trước bạ đối với xe lắp ráp – sản xuất trong nước không còn (kết thúc vào cuối năm 2020).
Đây được coi là một tín hiệu vui cho người tiêu dùng, vì khi lượng cung trở nên dồi dào, giá xe có thể sẽ giảm sâu. Ngược lại, với các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước lại đang đứng trước áp lực cạnh tranh rất lớn.
Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, doanh số bán của các đơn vị thành viên VAMA trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt tổng cộng 40.017 xe các loại, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xe du lịch tăng 19%, xe thương mại tăng 28% và xe chuyên dụng giảm 15%.
Tuy nhiên, tính riêng trong tháng 2 số lượng xe bán ra đạt tổng cộng 13.585 xe các loại, giảm 22% so với tháng 1 trước đó.
Giá bán ô tô nhập khẩu vào Việt Nam vẫn cao
Thời điểm này, ôtô lắp ráp trong nước có phần “lép vế” hơn so với ôtô nhập khẩu. Bởi, ôtô lắp ráp trong nước có giá bán cao hơn xe nhập khẩu, do chi phí sản xuất ôtô tại Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với nước ngoài. Nếu trước đây xe nhập khẩu từ ASEAN chịu thuế khoảng 30% thì xe lắp ráp trong nước rẻ hơn, nhưng từ khi thuế nhập khẩu về 0%, xe nhập khẩu lại rẻ hơn lắp ráp.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sau 3 năm thực hiện áp thuế nhập khẩu ô tô ở các nước Thái Lan, Indonesia… 0%, hiện giá xe đã giảm, song mức giảm ít và không như kỳ vọng. Mặt bằng giá bán một số mẫu mã vẫn đang cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển ổn định như Mỹ, Nhật. Nguyên nhân chủ yếu là do thuế và phí đối với ô tô sản xuất trong nước cao.
Chẳng hạn, mẫu xe cỡ nhỏ Honda Brio nhập khẩu từ Indonesia được Honda Việt Nam niêm yết giá bán lên đến 418 – 450 triệu đồng, cao hơn từ 110 – 150 triệu đồng so với giá bán mẫu xe này ở Indonesia và 120 triệu đồng so với thị trường Philippines.
Nguyên nhân do mức thuế này chỉ áp dụng với xe có tỷ lệ nội địa hóa ở các nước trong khối ASEAN từ 40% trở lên. Đồng thời, với cơ cấu giá bán xe tầm trung tại thị trường Việt Nam, nếu chi phí sản xuất xe và bán hàng chiếm 60% thì thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm 23%; thuế giá trị gia tăng và phí trước bạ cũng như các loại phí, thuế khác là 17%.
Hiện, trên 80% lượng xe con dưới 9 chỗ ngồi vào Việt Nam là được nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia, do đó thuế nhập khẩu mặt hàng này không còn. Tuy nhiên, các loại xe này vẫn phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối lớn từ 35% đến 50% tuỳ theo dung tích xy-lanh của xe hơi.
Hoàng Hà
Theo Vnbusiness