Mới đây, Quốc hội đã quyết nghị giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% từ ngày 1/7 đến cuối năm nay, áp dụng với tất cả nhóm hàng hoá đang chịu mức thuế suất 10%, trừ viễn thông, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng đây sẽ là động lực giúp giảm chi phí sản xuất, phục hồi kinh doanh cũng như kích cầu tiêu dùng.
Bán lẻ kỳ vọng thúc đẩy doanh số
Ngay sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, cả doanh nghiệp, lẫn người dân đều bày tỏ sự vui mừng, chờ ngày chính sách giảm thuế chính thức được áp dụng.
Giảm 2% thuế VAT sẽ giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm được một khoản chi phí không hề nhỏ. |
Công ty Cổ Phần Đầu tư Phát triển SOHEE Hàn Quốc đã từng một lần được hưởng ưu đãi giảm 2% thuế suất VAT vào năm ngoái. Theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp, công ty rất mừng khi chính sách tiếp tục có hiệu lực vào 1/7 này, vì như vậy sẽ giúp tiết kiệm được một khoản chi phí không hề nhỏ.
Còn với chuỗi siêu thị bán lẻ AEON, chương trình giảm 2% thuế VAT sẽ giảm giá bán hàng hoá, giúp kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, giảm được chi phí đầu vào cũng là động lực để doanh nghiệp tiếp tục tung ra nhiều chương trình khuyến mãi cho người tiêu dùng trong thời gian tới.
Ở góc độ người dân, chị Lê Thuý An, công nhân làm việc tại cụm công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội bày tỏ: “Tôi rất vui khi biết tin sắp được giảm 2% thuế VAT với một số hàng hóa, dịch vụ. Với mức chi tiêu khoảng 15 triệu đồng/tháng, gia đình tôi sẽ tiết kiệm được khoảng 300.000 đồng. Khoản tiền này tuy không lớn, nhưng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Tôi sẽ tăng mua hàng ở những nơi có mức thuế suất rõ ràng”.
Ví dụ như với rau quả, nếu thuế VAT giảm 2%, người tiêu dùng sẽ được mua rẻ hơn, qua đó kích thích chi tiêu nhiều hơn và đóng góp doanh thu tốt hơn cho nhà bán lẻ. Còn với hộ kinh doanh ăn uống mua rau quả về để làm nguyên liệu, chi phí đầu vào cũng giảm đi, từ đó có thể giảm giá bán và kéo khách đến ăn nhiều hơn.
Ước tính, ngân sách năm nay sẽ hụt thu khoảng 24.000 tỷ đồng khi đưa thuế VAT về 8% trong nửa cuối năm.
Bà Đoàn Kim Hương, Giám đốc Khối Vận hành, Hệ thống siêu thị Aeon đánh giá: “Thông qua chính sách này với giá bán giảm, người tiêu dùng mua hàng nhiều, chúng tôi bán được nhiều sản phẩm hơn, thì đối với những nhà cung cấp hàng hóa trực tiếp cho doanh nghiệp bán lẻ, họ cũng sẽ được lợi. Khi đó, nhà cung cấp cũng sẽ tương đồng bán được nhiều hàng hóa cho doanh nghiệp bán lẻ”.
Xen lẫn nỗi lo
Bên cạnh sự vui mừng, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng, băn khoăn về về việc triển khai áp dụng chính sách này. Bởi một số loại hàng hóa, dịch vụ có thể giảm giá 2% khá dễ dàng, nhưng một số loại hàng hóa, dịch vụ có giá đã được làm tròn để dễ thanh toán thì việc điều chỉnh giá biên độ nhỏ 2% sẽ không khả thi. Ví dụ, doanh nghiệp bưu chính chuyển phát đã kê khai giá 5.000 đồng/km, nếu phải giảm xuống còn 4.909 đồng/km sẽ rất phức tạp.
Tại văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Nghị định quy định chính sách giảm thuế VAT 2%, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp phản ánh rằng, việc phân loại hàng hóa, dịch vụ nào được hưởng thuế suất 8% hay 10% là rất phức tạp và quá nhiều rủi ro. “Điều này thậm chí còn gây nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực khi doanh nghiệp bị thanh kiểm tra do cơ quan nhà nước có thể diễn giải quy định theo nhiều cách khách nhau”, VCCI quan ngại.
Thực tế, trong năm 2022, chính sách giảm 2% thuế VAT đã được triển khai với số tiền hỗ trợ giảm thuế lên đến 44.000 tỷ đồng. Việc giảm thuế VAT đã kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế khi xác định hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế. Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng hoá đơn được tinh gọn, áp dụng mức giảm cho tất cả các loại hàng hoá, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực về thủ tục giấy tờ.
Theo chuyên gia Nguyễn Văn Được, Ủy viên Thường trực Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, để chính sách giảm thuế VAT phát huy tối đa hiệu quả, Nghị định 15 cần được hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể. Đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH&ĐT, Tổng cục Thống kê cần xác định mã ngành nào ở ranh giới được giảm và không được giảm. Nghị định lần này cũng cần có một khoảng mở để giao cho Bộ Tài chính, Cục thuế hướng dẫn chi tiết cho người dân, doanh nghiệp, nếu trong quá trình thực hiện có vướng mắc.
Đối với doanh nghiệp, do quy định của chính sách năm nay không thay đổi nhiều so với năm 2022, nên các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu tiếp cận để hiểu thấu đáo hơn. Đặc biệt về khoa học công nghệ, các phần mềm, mặc dù đã chuẩn bị rồi nhưng các doanh nghiệp cũng cần chủ động hoàn thiện để xuất hóa đơn.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, việc triển khai nhanh giảm 2% thuế VAT sẽ tác động trực tiếp tới ngân sách tiêu dùng của khách hàng. Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ, nhất là các hệ thống phân phối lớn cần sẵn sàng có giải pháp kỹ thuật để triển khai nhanh trên hệ thống với những hàng hóa sẽ được giảm thuế. Ngoài ra, các cơ quan chức năng liên quan cần triển khai các giải pháp về mặt kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, cho phép đơn giản hóa các thủ tục để triển khai nhanh đến các nhà bán lẻ, tiêu dùng trong cả nước.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế cho biết: “Năm ngoái giảm thuế 11 tháng, năm nay ngắn hơn. Thời gian ngắn hơn, doanh nghiệp cũng mong muốn được giảm tất cả các mặt hàng sẽ thuận lợi hơn trong vấn đề hoạch toán, xuất hoá đơn”.
Thanh Hoa
Theo vnbusiness