Giá USD ngân hàng lên nhanh trong 2 tuần trở lại đây. Xét về mặt bằng chung tỷ giá VND/USD tăng 1,62% so với đầu năm và tăng 2% so với mức thấp nhất năm được thiết lập trong tháng 5/2023.
Sáng nay, các ngân hàng tiếp tục tăng giá niêm yết thêm 10-50 đồng, duy trì mức trên 24.000 VND/USD – cao nhất nửa năm trở lại đây. Ngân hàng lớn niêm yết giá USD ở mức 23.775-24.145 VND/USD. Còn ở nhóm cổ phần, tỷ giá USD ở sát 23.740-24.130 VND/USD.
Tỷ giá đang chịu áp lực từ thị trường ngoại hối toàn cầu
Giá USD trong ngân hàng vượt xa giá USD trên thị trường tự do. Theo đó, giá USD “chợ đen” đang được mua vào ở mức 23.800 VND/USD, bán ra 23.900 VND/USD. Dù mức giá này đã tăng 50 chiều mua và 70 đồng chiều bán so với hôm qua nhưng vẫn thấp hơn các ngân hàng hơn 200 đồng.
Khi đồng USD có lãi suất cao, giá cũng sẽ tăng mạnh lên, lúc đó các đồng tiền khác phải chịu sức ép giảm giá. |
USD trong ngân hàng tăng mạnh trước diễn biến điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Sáng nay, cơ quan này tăng giá bán USD giao ngay tại Sở Giao dịch tăng thêm 38 đồng, từ 25.025 VND/USD lên 25.063 VND/USD – tiếp tục đạt kỷ lục từ trước đến nay.
Trao đổi với Vnbusiness, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho biết, tỷ giá trong một vài ngày gần đây bị tác động do nhiều nhân tố như: Các đồng ngoại tệ trên thế giới có biến động, đặc biệt là giá USD tăng mạnh trong thời gian qua đã tác động đến giá của các đồng tiền khác. Đặc biệt, trong tương quan so sánh của đồng USD với VND, đồng VND đang tương đối thấp và trên đà tiếp tục giảm xuống.
Ông Thịnh lý giải, đồng USD đang có lãi suất cao nhất 5-5,25%, cao nhất trong khoảng 20 năm nay. Khi đồng bạc xanh có lãi suất cao, giá cũng sẽ tăng mạnh lên, lúc đó các đồng tiền khác phải chịu sức ép giảm giá.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, tỷ giá đang chịu áp lực từ thị trường ngoại hối toàn cầu. “USD-Index – chỉ số đo sức mạnh đồng bạc xanh so với các rổ tiền tệ khác – sáng nay đạt 103,19 điểm, cũng là mức cao nhất hơn một tháng trở lại đây”, ông Tuấn phân tích.
Theo ông Thịnh, nguyên nhân còn đến từ việc xuất khẩu trong thời gian vừa qua sụt giảm. Trong 7 tháng, xuất khẩu đã giảm 10,6% so với cùng kỳ của năm 2022. Điều này có nghĩa lượng ngoại tệ thu về giảm bớt đi, trong khi đó, lượng nhập khẩu lại đang tăng lên, kéo sức hút của việc mua USD cũng tăng mạnh.
“Cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, các doanh nghiệp đã ký được nhiều đơn hàng với các đối tác nước ngoài, nên họ đang mở rộng sản xuất. Lấy ví dụ tại tỉnh Bắc Giang, một khu công nghiệp vừa huy động 10.000 lao động từ nay đến cuối năm, đặc biệt là ngay trong tháng 8 này có thể mong muốn huy động được 5.000 người. Có thể thấy, doanh nghiệp này đang có nhiều đơn hàng, hoạt động sản xuất mở rộng thì họ phải nhập khẩu các máy móc, thiết bị, linh phụ kiện, nguyên, vật liệu”, ông phân tích.
Doanh nghiệp đang cần ngoại tệ, trong đó chủ yếu là USD để nhập khẩu, phục vụ sản xuất kinh doanh. Việc tỷ giá tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến nhóm này. Có thể thấy, phía NHNN mong muốn giữ ổn định tỷ giá, song sức ép thị trường vẫn hiện hữu. Bởi khi đồng USD có lãi suất cao, người dân cũng muốn chuyển sang USD để hưởng lợi ích từ việc cho vay nợ lãi cao cũng như các yếu tố khác.
Vì vậy, theo vị chuyên gia này, NHNN cần điều hành chính sách tiền tệ hài hoà, từ đó đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa để sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn cuối năm nay.
Doanh nghiệp không nên kìm giữ hàng
Đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong bối cảnh này, ông Thịnh gợi ý doanh nghiệp nên xem xét bán hàng hoá. “Có thể tỷ giá lúc này đang cao nhưng dần dần sẽ giảm xuống, không nên kìm giữ hàng, để từ đó, dòng ngoại tệ của các ngân hàng thương mại sẽ tốt hơn và NHNN không cần can thiệp”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, linh phụ kiện cũng nên thận trọng, không nên mua gom lượng ngoại tệ khi chưa có nhu cầu thực sự để thanh toán. “Tức là khi nào đến ngày thanh toán, doanh nghiệp mới cần lo, nếu không với đà tăng mạnh của USD, doanh nghiệp sẽ bị thiệt thòi”, ông nói.
Các doanh nghiệp cũng cẩn trọng trong việc mua bán USD để đảm bảo giảm sức ép cho thị trường, đồng thời đảm bảo hiệu quả trong kinh doanh cho mình. Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng, hiện tượng tỷ giá tăng nóng chỉ là tạm thời, ông hy vọng từ nay đến cuối năm, biến động tỷ giá giữa đồng VND và đồng USD cả năm 2023 chỉ khoảng 2-3%.
Còn theo ý kiến của TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng, việc tỷ giá USD/VND biến động mạnh thời gian gần đây có lẽ không phải nhất thời mà đang tạo ra một xu hướng tăng. Tuy nhiên, xu hướng này có kéo dài hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
“Tỷ giá có thể bị tác động bởi những yếu tố chính sách nới lỏng tiền tệ của NHNN tác động đến việc kéo lãi suất, làm giảm giá trị của tiền VND. Khi đó, giá trị đồng VND giảm so với đồng USD, đẩy tỷ giá lên cao. Ngoài ra, nhu cầu về nhập khẩu tăng cũng khiến nhu cầu về đồng USD tăng. Tỷ giá có thể được cân bằng lại trong trường hợp cơ quan quản lý tiền tệ sử dụng dự trữ ngoại hối để bán ngoại hối ra sẽ làm giảm áp lực tỷ giá thị trường hối đoái”, ông nói.
Thanh Hồng
Theo vnbusiness