Theo chuyên gia của UOB, tỷ giá đã hạ nhiệt đáng kể và sẽ còn xuống thấp hơn nữa. Trong khi đó, yếu tố lạm phát vẫn căng thẳng, khiến NHNN khó có thể hạ lãi suất trong 6 tháng tới.
Tại buổi trình bày về bối cảnh kinh tế và đầu tư của Việt Nam ngày 28/8, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB, đánh giá rằng tỷ giá đã hạ nhiệt và không còn nhiều lo ngại, hiện căng thẳng chỉ còn ở lạm phát.
UOB luôn có triển vọng tích cực đối với tiền đồng. Trong báo cáo công bố hồi đầu tháng 8, UOB từng kỳ vọng tỷ giá USD sẽ tiếp tục đi xuống trong nửa cuối năm và cả đầu 2025. Trong đó, tỷ giá được dự báo sẽ xuống 25.100 VND/USD vào cuối quý III năm nay và 24.900VND/USD vào cuối năm. Đến giữa năm 2025, tỷ giá USD sẽ chạm mốc 24.500.
Tuy nhiên ông Suan Teck Kin cho biết con số dự báo này sẽ còn xuống thấp hơn, tức là VND sẽ mạnh hơn hơn so với dự báo trước đây của UOB.
“Hiện tỷ giá USD/VND đã xuống dưới mốc 25.000, thấp hơn dự báo của UOB”, ông cho biết thêm.
Cập nhật đến chiều ngày 28/8, tỷ giá USD/VND trên thị trường ngoại hối quốc tế ở mức 24.855, tăng 2,45% so với đầu năm. Tuy nhiên, tỷ giá đã giảm đáng kể so với mức đỉnh ghi nhận vào cuối tháng 4/2024. Hiện tỷ giá đang quanh vùng thấp nhất kể từ đầu tháng 4.
Chuyên gia từ UOB cảnh báo CPI đang ở mức khá cao. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7 đã tăng 4,36% so với cùng kỳ, ngay dưới mức trần 4,5%.
“Với diễn biến lạm phát như vậy, ngân hàng trung ương khó có thể hạ lãi suất trong 6 tháng nữa”, ông Suan Teck Kin nhận xét. Chuyên gia cũng cho rằng áp lực lạm phát vẫn sẽ duy trì trong thời gian tới. “Đặc biệt, càng về cuối năm, hiệu ứng nền sẽ khiến lạm phát duy trì ở mức cao”, ông nhấn mạnh.
Phân tích sâu hơn về CPI, ông Suan Teck Kin cho biết lạm phát toàn phần đi lên nhưng lạm phát lõi lại đang khá thấp. Hai yếu tố lớn nhất thúc đẩy lạm phát toàn phần là thực phẩm và nhà ở, trong khi chi phí vận tải (đại diện cho giá nhiên liệu) không tăng nhiều.
Vào giai đoạn xung đột Ukraine, chi phí vận tải từng là yếu tố thúc đẩy CPI nhưng đến nay thì đã không còn ảnh hưởng quá lớn, chuyên gia UOB cho hay.
Theo chuyên gia, với hai lĩnh vực thực phẩm và nhà ở, Chính phủ cần có những động thái bình ổn. Chẳng hạn, có thể tìm cách tăng thêm nguồn cung thịt, rau … và hỗ trợ hoạt động xây dựng, giúp nguồn cung nhà ở nhiều hơn.