Từ tháng 10/2023, mức trần quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn áp dụng cho nhóm ngân hàng cổ phần giảm từ 34% xuống 30%.
Theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần vào cuối tháng 3/2024 ở mức 39,95%, tiếp tục vượt trần 30% áp dụng từ tháng 10/2023. Kể từ khi mức trần mới có hiệu lực, chưa có tháng nào tỷ lệ này của nhóm ngân hàng cổ phần hạ xuống dưới yêu cầu quy định.
Trong khi đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước nhích nhẹ lên 23,47%, thấp hơn đáng kể so với giới hạn của NHNN. Xét chung toàn ngành ngân hàng, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đang ở mức 28,15%, dưới giới hạn. Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 77,97%.
Bên cạnh đó, tổng tài sản của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tính đến cuối tháng 3 quay đầu tăng sau khi sụt giảm trong hai tháng đầu năm, đạt 20,1 triệu tỷ đồng, tăng 0,12% so với cuối năm 2023. So với cuối tháng 2, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng đã tăng thêm hơn 583.200 tỷ đồng.
Tổng tài sản của hệ thống ngân hàng đã lần đầu tăng trưởng trở lại, trong bối cảnh tín dụng bắt đầu quay đầu đi lên. Theo số liệu từ NHNN, tính đến cuối tháng 3, tín dụng đã tăng trưởng 1,34% so với cuối năm ngoái.
Trong đó, nhóm ngân hàng hợp tác xã ghi nhận tổng tài sản tăng 16,03%, đạt 66.129 tỷ đồng, nhóm ngân hàng chính sách xã hội tăng 5,61%, lên 370.269 tỷ đồng.
Tổng tài sản của nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần tăng 0,12%, lên 8.998 tỷ đồng. Trong khi tài sản của nhóm NHTM nhà nước, bao gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV và ba ngân hàng CBBank, GPBank, OceanBank, giảm 0,01%, xuống 8.326 tỷ đồng. Tất cả những kết quả trên đều cải thiện đáng kể so với cuối tháng 1/2024 và 2/2024.
Tổng tài sản của nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài giảm 1,18%, xuống 1,843 triệu tỷ đồng, cải thiện nhẹ so với kết quả cuối hai tháng trước.