Bộ trưởng KH&ĐT chỉ đích danh “thủ phạm” gây nhiễu thị trường bất động sản
Vấn đề trên được ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) – nêu trong phiên họp Thường trực Chính phủ cuối cùng của nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, diễn ra ngày 31/3.
“Một phần nguyên nhân do lãi suất ở mức thấp, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản, một phần do công tác quản lý đất đai, quy hoạch và việc “thổi giá” của đối tượng môi giới, tạo nên các cơn sốt đất, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh” – Bộ trưởng KH&ĐT nhận định.
Trong thời gian tới, cần chú trọng theo dõi sát diễn biến các thị trường trên, không để xảy ra tình trạng bong bóng thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
“Sốt” đất như “sốt” lan đột biến: Hé lộ sự thật chiêu “làm giàu không khó”
Quan sát thị trường bất động sản đất nền hiện nay ở các quận, huyện vùng ven Hà Nội, TP.HCM, không ít người liên tưởng tới thị trường lan đột biến.
Quy hoạch mới, nâng cấp từ huyện lên quận… cũng chưa bao giờ là điều quá đặc biệt. Các thửa đất chia lô, liền thổ… cũng là những sản phẩm bất động sản “xưa như trái đất” nhưng gần đây nó được đặc biệt hóa và hiếm hóa bởi những mạng lưới môi giới nhà đất dày đặc đan xen có chung một mục đích là kiếm lợi bằng cách khuấy đảo và thổi giá thị trường.
Đà Nẵng cảnh báo chiêu trò tạo sốt đất ảo
Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng đã có phản hồi trước thông tin cho rằng “giá đất nền Đà Nẵng đang tăng nhanh”.
“Nhìn chung thị trường bất động sản có tăng nhẹ, chủ yếu tại khu vực Golden Hills, FPT và xung quanh Dự án không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Đối những khu vực khác không ghi nhận biến động gì lớn”, Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng nhận định.
Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng nhận thấy, có thể có hiện tượng đầu cơ tạo “sốt ảo” để trục lợi tập trung ở các khu vực có các dự án lớn chuẩn bị triển khai. Vì vậy, khuyến cáo người dân và các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin có liên quan đến khu đất, dự án dự kiến đầu tư, để tránh rơi vào các chiêu trò thổi phồng thị trường, tăng giá đất ảo như đã từng xảy ra trước đây.
Hai bộ cùng nhiều địa phương lao vào dập, liệu “sốt” đất có hạ nhiệt?
Trước việc giá đất ở nhiều nơi tăng cao đột biến, gây hiện tượng “sốt ảo”, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã đề nghị các địa phương chấn chỉnh và gửi báo cáo kết quả về Bộ này trước ngày 31/5.
Theo Bộ này, giá đất ở một số địa phương, một số khu vực tăng lên một cách đột biến, gây nên hiện tượng “sốt ảo”, làm ảnh hưởng đến điều hành phát triển kinh tế – xã hội và việc triển khai các dự án đầu tư.
Trước tình trạng “sốt” đất khắp nơi, Bộ Xây dựng cũng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản tại các địa phương.
Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương.
Dư nợ cho vay đầu tư bất động sản của ngân hàng tăng “phi mã”
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “Đến ngày 15/3, dư nợ cho vay bất động sản của ngân hàng tăng khoảng 2,13 %. Đây là mức tăng nhanh so với tín dụng cho nền kinh tế nói chung”.
Thông tin trên được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nêu lên tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra tối nay (31/3), tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội.
Tại đây, báo giới đặt câu hỏi với Ngân hàng Nhà nước về kênh đầu tư cho vay đầu tư bất động sản trong bối cảnh giá bất động sản tăng và “sốt đất” diễn ra ở nhiều địa phương.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Vấn đề bất động sản gần đây tương đối nóng ở nhiều địa phương, giá đất cũng có xu hướng tăng lên. Có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong số đó là tình trạng các đối tượng cơ hội tung tin không chính xác dựa vào các chính sách điều hành hiện nay nhằm ăn chênh lệch.
Nguyễn Khánh (tổng hợp)