TOP 10 ngân hàng có EPS 4 quý gần nhất cao nhất tính đến quý I/2024 không có nhiều thay đổi so với thời điểm cuối năm ngoái. Tuy nhiên, thứ hạng các ngân hàng nhỏ có nhiều biến động.
Theo số liệu từ WiChart bao gồm 27 ngân hàng niêm yết, chỉ số thu nhập trên cổ phiếu (EPS) 4 quý gần nhất (TTM) trung bình của ngành đạt 2.258 đồng vào cuối quý I/2024, giảm 0,2 điểm % so với thời điểm cuối năm 2023.
Thu nhập trên một cổ phần (EPS – Earning per share) là phần lợi nhuận mà công ty phân bổ cho mỗi cổ phần thường đang được lưu hành trên thị trường.
Trong đó, Vietcombank tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu với EPS 4 quý gần nhất đạt 5.838 đồng, tăng 1% so với cuối năm ngoái. Theo báo cáo tài chính quý I/2024, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 8.586 tỷ đồng, giảm 4,5% so với cùng kỳ. Đã hai quý liên tiếp lợi nhuận của Vietcombank giảm.
Đồng thời, trong năm 2023, Vietcombank đã tiến hành phát hành thêm 857 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông (tương ứng tỷ lệ 18,1%).
Techcombank tiếp tục duy trì vị trí á quân với EPS đạt 5.601 đồng/cp, tăng 10% so với cuối năm 2023. Trong quý đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Techcombank đạt 6.277 tỷ đồng, tăng 38,4% so với cùng kỳ. ACB duy trì vị trí thứ ba trong danh sách với EPS đạt 4.072 tỷ đồng, giảm 1% so với thời điểm cuối quý IV/2023. Quý đầu năm, ACB ghi nhận lãi sau thuế 3.905 tỷ đồng, giảm 5,6%.
Những nhà băng còn lại trong Top 10 có EPS cao nhất lần lượt là Sacombank, MB, BIDV, VietinBank, HDBank, VIB và Nam A Bank. Top 10 không có sự thay đổi nào so với thời điểm cuối năm ngoái.
Trong quý đầu năm, BVBank (Bản Việt) là ngân hàng có EPS tăng nhanh nhất, ở mức 62%. Quý I/2024, BVBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 55 tỷ đồng, gấp hơn 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, ABBank và PGBank lại chứng kiến EPS tụt sâu nhất, lần lượt ở mức 74% và 34% sau quý kinh doanh kém sắc. Ngoài ra, NCB tiếp tục báo cáo EPS âm vào cuối quý I/2024 do tiếp tục thua lỗ.