Với mức lợi nhuận này, VPBank đang xếp thứ 4 trong nhóm ngân hàng cổ phần về lợi nhuận, đứng sau Techcombank, MB và ACB.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã: VPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I hợp nhất với lợi nhuận trước thuế tăng 64%, đạt 4.182 tỷ đồng. Riêng tại ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế quý I đạt hơn 4.920 tỷ đồng, với tổng thu nhập hoạt động tăng 15% và thu nhập lãi thuần tăng 25% so với cùng kỳ.
Trong quý I, hoạt động chứng khoán (VPBankS) lãi hơn 182 tỷ đồng, bảo hiểm OPES lãi hơn 96,7 tỷ đồng, công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit) vẫn lỗ gần 853 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I, thu nhập lãi của VPBank đạt 19.346 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ trong khi chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự đã giảm 5,5% trong bối cảnh lãi suất huy động đi xuống. Nhờ kết quả trên, thu nhập lãi thuần của VPBank đạt 11.323 tỷ đồng, tăng 19% và tạm dẫn đầu trong các ngân hàng đã báo cáo kết quả kinh doanh.
Cùng với đó, lãi thuần từ hoạt động ngoại hối của VPBank mang về 304 tỷ đồng trong quý I, so với khoản lỗ 347 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động ngoại hối đã có lãi trở lại nhờ thu từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay và các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ cùng cao gấp khoảng hai lần cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác của VPBank giảm tới 84%, xuống 225 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này là do thu từ hoạt động mua bán nợ, thu từ nợ đã xử lý rủi ro và thu từ các công cụ tài chính phái sinh khác đều giảm đáng kể so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ mua bán nợ đã tụt từ 750 tỷ đồng xuống gần 2 tỷ đồng.
Ngoài ra, hoạt động dịch vụ của VPBank cũng ghi nhận lãi thuần giảm 7%, xuống 1.554 tỷ đồng do chi phí đi lên. Các hoạt động như chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư không đóng góp đáng kể vào cơ cấu lợi nhuận của VPBank.
Trong quý I/2024, tổng chi phí hoạt động của VPBank chỉ nhích nhẹ hơn 1% giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 9.944 tỷ đồng, tăng 11,3%. Tỷ lệ CIR của VPBank từ đó cũng được cải thiện từ 27,6% xuống 25,8%. Ngoài ra, chi phí dự phòng giảm 9,8%, xuống 5.762 tỷ đồng đã hỗ trợ cho lợi nhuận trước thuế của VPBank.
Tính đến cuối quý I/2024, tổng tài sản VPBank ở mức 822.367 tỷ đồng, nhích nhẹ so với cuối năm ngoái. Cho vay khách hàng tăng 2,9% lên 582.691 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của khách hàng tăng 3% lên 455.817 tỷ đồng.
Trong ba tháng đầu năm, danh mục cho vay của VPBank có sự chuyển dịch. Cụ thể, dư nợ cho vay hộ kinh doanh, cá nhân đã giảm từ 292.960 tỷ đồng xuống 289.017 tỷ đồng, chỉ còn chiếm 49,6% tổng danh mục cho vay vào cuối quý I. Quý I/2023, dư nợ lĩnh vực này từng chiếm 56,7% tổng danh mục cho vay của VPBank.
Trong khi đó, cho vay công ty cổ phần khác đã tăng từ 146.003 tỷ đồng lên 166.935 tỷ đồng, chiếm 28,7% tổng danh mục.Ngoài ra, tỷ trọng cho vay ký quỹ và ứng trước cũng ghi nhận sự tăng trưởng.
Tương tự, nếu nhìn vào danh mục cho vay theo ngành, VPBank đã giảm dư nợ cho vay với mục đích sản xuất, dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình và cho vay cá nhân để mua nhà ở, trong khi tăng dư nợ của mảng tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và kinh doanh bất động sản …
Số dư nợ xấu của ngân hàng đã giảm 0,9% xuống 28.173 tỷ đồng. Nợ xấu giảm chủ yếu là nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn), trong khi nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đều đi lên. Tỷ lệ nợ xấu của VPBank đã giảm từ 5,02% xuống 4,84%.
Tính đến cuối quý I, ngân hàng hợp nhất có 25.271 nhân viên, tăng khoảng 300 người so với đầu năm. Trong khi đó, ngân hàng mẹ lại ghi nhận số lượng nhân viên giảm khoảng 200 người.
So với cùng kỳ năm trước, chi phí bình quân cho nhân viên VPBank (ngân hàng hợp nhất) đã tăng thêm 11,4% lên 28,8 triệu đồng/người/tháng, chủ yếu do số lượng cán bộ nhân viên trung bình đã giảm 12,3%. Trong khi đó, chi phí bình quân cho nhân viên ngân hàng mẹ là 35,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 10,5% so với cùng kỳ.