Kết thúc ngày giao dịch 12/4, chỉ số VN-Index 20,79 điểm (+1,69%), xác lập đỉnh cao mới 1.252,45 điểm.
Tác động mạnh nhất đến chỉ số là bộ đôi cổ phiếu Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM), lần lượt đóng góp 6,35 điểm và 2,52 điểm vào tổng mức tăng của chỉ số.
Cổ phiếu VIC tăng 5,7%, đạt mức cao kỷ lục 132.000 đồng mỗi đơn vị. Cổ phiếu VHM tăng 2,9%, đạt 101.800 đồng.
Với mức giá này, vốn hóa thị trường của Vingroup đạt 446.481 tỷ đồng, tương đương 19,35 tỷ USD. Giá trị Vingroup chiếm tỷ trọng 9,44% tổng giá trị các cổ phiếu trên sàn HOSE. Kể từ đầu năm, cổ phiếu VIC đã tăng 20% so với VN-Index tăng 13,8%.
Vinhomes đạt vốn hóa 340.980 tỷ đồng (14,78 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 7,21% trên HOSE.
Đứng giữa Vingroup và Vinhomes trên bảng xếp hạng là ngân hàng Vietcombank, vốn hóa 366.808 tỷ đồng (15,9 tỷ USD), tỷ trọng 7,75% trên HOSE.
Họ Vingroup hiện còn Vincom Retail vốn hóa lớn trên sàn HOSE, 80.213 tỷ đồng, tức 3,48 tỷ USD. Ngoài ra, CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF) vốn hóa 23.241 tỷ đông (trên 1 tỷ USD), giao dịch trên thị trường UPCoM.
Tính lượng cổ phiếu VIC trực tiếp nắm giữ và gián tiếp thông qua CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Nam thì tài sản của ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup đạt khoảng 253.000 tỷ đồng (gần 11 tỷ USD).
Trên Forbes, tài sản cập nhật tức thời của ông Vượng đã tăng lên mức 9 tỷ USD (cao nhất lịch sử), ông xếp hạng 262 thế giới về độ giàu có. Nếu đã tăng được duy trì tài sản của người giàu nhất VN trên bảng xếp hạng có thể sớm chạm mốc 10 tỷ USD.
Ông Vượng cũng bỏ xa những người Việt Nam xếp kế tiếp, gồm bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air (2,7 tỷ USD) và ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hòa Phát (2,5 tỷ USD).
Bảng xếp hạng tỷ phú thế giới cập nhật hàng năm vào đầu tháng 3 của Forbes ghi nhận Việt Nam có 6 tỷ phú. Khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng được xác định vào khoảng 7,3 tỷ USD.
Theo Nhịp sống kinh tế