Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt bia, rượu tới 155% hoặc bổ sung mức tuyệt đối để đảm bảo mục tiêu sức khỏe.
Tại hồ sơ thẩm định dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) gửi Bộ Tư Pháp, Bộ Tài chính vẫn đưa ra hai phương án tăng thuế với rượu, bia. Cụ thể, rượu từ 20 độ trở lên sẽ tăng theo lộ trình từ mức 65% hiện nay lên 90% hoặc 100% vào 2030. Mức thuế tối đa với rượu dưới 20 độ là 60% hoặc 70% trong giai đoạn 2026-2030.
Tương tự, thuế suất với bia tăng từ 35% hiện nay lên 90% hoặc 100% theo từng năm trong giai đoạn 2026 – 2030.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng thuế theo lộ trình trên là “đáng kể nhưng chưa đủ để giảm khả năng chi trả cho rượu, bia theo thời gian”.
WB cho rằng Việt Nam cần tăng thuế ở mức tham vọng hơn. Họ cũng khuyến nghị áp dụng theo tỷ lệ phần trăm cộng với mức thuế tuyệt đối. Cụ thể, WB đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia lên 155% hoặc phương án bổ sung mức tuyệt đối 16.500 đồng (tính trên một lít cồn) cộng với thuế suất 65% như hiện nay. Việc này đảm bảo rượu, bia không trở nên phổ biến hơn, tác động tích cực tới đảm bảo sức khỏe khi mức độ dùng loại đồ uống này được điều chỉnh.
Ngân hàng này dẫn số liệu cho biết năm 1990, số ca tử vong và tuổi thọ giảm do sử dụng rượu ở Việt Nam thấp hơn lần lượt là 59% và 58% so với mức trung bình ở các nước có thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, đến nay các chỉ số này lần lượt cao hơn 140% và 104%. “Tỷ lệ tử vong và bệnh tật ngày càng tăng được thúc đẩy bởi doanh số bán và tiêu thụ rượu, bia”, WB đánh giá.
Cũng theo tổ chức này, giai đoạn 2008-2022, tổng lượng tiêu thụ rượu, bia tăng 177%, trong đó bia chiếm 92%. Bình quân đầu người tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam cũng tăng 142%. WB cũng nhắc lại, trong giai đoạn 2010-2018, thuế suất với bia tăng từ 45 lên 65% đã không đủ mạnh để giảm tiêu dùng của người dân.
Song, Bộ Tài chính cho rằng áp dụng thuế tuyệt đối với mặt hàng này chưa phù hợp với Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Nhà chức trách cũng khẳng định phương án tăng thuế được đưa ra dựa trên chủ trương bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc thù của ngành bia, rượu Việt Nam và cam kết gia nhập WTO.
Trong khi đó, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) và các doanh nghiệp bia, rượu đề nghị xem xét giảm mức thuế và giãn lộ trình điều chỉnh.
Dẫu vậy, theo Bộ Tài chính, phương án đề xuất của các doanh nghiệp sẽ tác động không mạnh đến giảm tiêu dùng rượu, bia. Bộ này giữ quan điểm tăng thuế lên tối đa 100% vào 2030. “Phương án này sẽ giảm tiêu dùng rượu, bia, cũng như các tác hại liên quan do việc lạm dụng đồ uống có cồn gây ra”, Bộ Tài chính đánh giá.
Với lộ trình này, giá bia, rượu sẽ tăng 20% vào năm 2026 và thêm khoảng 2-3% mỗi năm tiếp theo. Mức này đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo lạm phát, thu nhập. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương khi được tham vấn đều ủng hộ phương án tăng thuế lên mức tối đa 100% với bia, rượu từ 20 độ trở lên và 70% với rượu dưới 20 độ.
Mặt khác, ngân sách có thêm khoảng 10.700 tỷ đồng từ thuế tiêu thụ đặc biệt với bia. Mức này tăng khoảng 23% so với số dự kiến thu về trong năm 2025 (khi chưa điều chỉnh thuế). Từ 2027-2030, khoản thu thuế tăng thêm khoảng 3.500 tỷ đồng mỗi năm. Với rượu, thu thuế tăng thêm gần 230 tỷ đồng vào 2026 và gần 80 tỷ đồng mỗi năm sau đó.
Ngoài bia, rượu, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát (nước ngọt) có hàm lượng đường trên 5 gram trong 100ml. Mức thuế dự kiến là 10%.
Cơ quan quản lý cũng đề xuất giữ thuế suất với thuốc lá ở 75%, nhưng bổ sung mức thuế tuyệt đối tăng dần. Cụ thể, từ 2026-2030, thuế tuyệt đối áp cho thuốc lá điếu tăng 5.000-10.000 đồng một bao, xì gà 50.000-100.000 đồng một điếu… Quy định này nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới từ 42,7% (năm 2022) về 38,6% vào 2030. Ngân sách thu với mặt hàng này dự kiến tăng lên 39.200 tỷ đồng vào 2030, gấp 2,2 lần so với 2022.
Phương Dung
https://kinhtengoaithuong.vn/kinh-doanh