Dòng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Ấn Độ trong những năm gần đây đã khiến nhiều nhà máy thép Ấn Độ phải thu hẹp sản xuất cũng như cắt giảm việc làm. Ấn Độ hiện là một trong những nước tiến hành biện pháp kiềm chế nhập khẩu thép để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết, mức thuế suất 12% này sẽ có hiệu lực trong 200 ngày kể từ ngày 21/4 “trừ phi được hủy bỏ, tạm dừng hoặc sửa đổi”.
Động thái trên cho thấy sự thay đổi đầu tiên về chính sách thương mại của New Delhi kể từ khi Tổng thống Donald Trump áp thuế đối ứng lên các đối tác thương mại hồi đầu tháng 4, châm ngòi cho cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Thép và Công nghiệp nặng Ấn Độ H. D. Kumaraswamy cho biết, việc áp thuế tạm thời 12% là nhằm bảo việc các nhà sản xuất thép nội địa trước tác động tiêu cực của thép nhập khẩu giá rẻ và nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng trên thị trường.
“Biện pháp này sẽ giúp các nhà sản xuất thép nội địa Ấn Độ ‘dễ thở hơn’, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa – vốn đang phải chịu áp lực lớn thép nhập khẩu giá rẻ”, ông Kumaraswamy cho biết thêm.
Mức thuế mới này của New Delhi chủ yếu nhằm vào thép Trung Quốc – nước xuất khẩu thép lớn thứ 2 thế giới sau Hàn Quốc trong năm 2024-2025.
Theo một lãnh đạo doanh nghiệp thép hàng đầu Ấn Độ, đây là quyết định được mong đợi từ lâu và các công ty thép sẽ chờ và xem biện pháp này hỗ trợ ngành thép nội địa cũng như hạn chế thép nhập khẩu giá rẻ như thế nào. Cả thế giới đều đang bị ảnh hưởng bởi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Năm 2024-2025, Ấn Độ là nước nhập khẩu ròng thép thành phẩm năm thứ 2 liên tiếp với khối lượng nhập khẩu thép lên mức cao nhất 9 năm, đạt 9,5 triệu tấn, theo số liệu sơ bộ của chính phủ nước này.
Các doanh nghiệp thép hàng đầu Ấn Độ, kể cả JSW Steel và Tata Steel cũng như ArcelorMittal Nippon Steel India đều bày tỏ lo ngại về thép nhập khẩu giá rẻ và kêu gọi chính phủ phải có biện pháp kiềm chế.
HT