Chủ tịch Rồng Việt: Dù bất ngờ với mức thuế 46% từ Mỹ, nhưng VDS không thay đổi kế hoạch lợi nhuận 2025

Chứng khoán Rồng Việt dự báo chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.220 - 1.486 điểm, thanh khoản bình quân 22.000 - 24.000 tỷ đồng/phiên trong năm 2025.
b4f8829aff044f5a1615-1743674135.jpg
ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2024 của VDS.

Ngày 03/04/2025, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (Rồng Việt - mã VDS) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2024, với kế hoạch kinh doanh năm 2025 là 1.106 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 368 tỷ đồng, phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 3.200 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu tăng trong năm 2024

Kết thúc năm tài chính 2024, tổng doanh thu hợp nhất của Rồng Việt đạt 1.041,4 tỷ đồng, hoàn thành 106% kế hoạch. Tổng chi phí ghi nhận 685,7 tỷ đồng, tương đương 110% kế hoạch năm.

Lợi nhuận trước thuế đạt 355,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 291,2 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 99% và 101% kế hoạch năm.

Quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Rồng Việt cũng lần lượt tăng 20,3% và 16,1% trong năm 2024, tương ứng đạt 6.395 tỷ đồng và 2.808 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm, cũng là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.

Các chỉ tiêu tài chính và an toàn vốn được duy trì ổn định, đảm bảo, trong đó, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 1,28 lần (quy định tối đa 5 lần), tỷ lệ nợ ngắn hạn/tài sản ngắn hạn ở mức 0,58 lần, thấp hơn ngưỡng quy định (1 lần) và tỷ lệ an toàn tài chính là 516,7%, cao gấp 2,9 lần so với mức quy định (180%). 

Tỷ lệ ROEa và ROAa của Rồng Việt lần lượt đạt 11,14% và 4,97%, EPS đạt 1.192 đồng/cổ phiếu, thuộc nhóm các công ty chứng khoán có hiệu quả hoạt động cao trong năm 2024.

Trong năm 2024, Rồng Việt đã hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 2.100 tỷ đồng lên 2.430 tỷ đồng và phát hành 04 đợt trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng nguồn vốn huy động hơn 3.089 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu VDS cũng có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm qua, đưa giá trị vốn hóa của Rồng Việt đạt 5.079 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm 2024.

Năm 2025, tiếp tục tập trung vào hoạt động cốt lõi, tăng vốn lên 3.200 tỷ đồng

Năm 2025, Rồng Việt xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2025 (hợp nhất) với tổng doanh thu 1.106 tỷ đồng và chi phí 738 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,2% và 7,6% so với thực hiện năm 2024. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế theo kế hoạch lần lượt ở mức 368 tỷ đồng và 294 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước.

Hoạt động kinh doanh tiếp tục tập trung vào 5 trụ cột chính là kinh doanh môi giới, cho vay, ngân hàng đầu tư, đầu tư và quản lý tài sản (thông qua công ty con là CTCP Quản lý quỹ Rồng Việt).

screen-shot-2025-04-03-at-151422-1743673713.png
Nguồn: VDS.

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất được thảo luận và thông qua tại ĐHĐCĐ là kế hoạch phát hành tối đa 77 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ của công ty lên 3.200 tỷ đồng trong năm 2025.

Cụ thể, trong đợt 1, Rồng Việt sẽ phát hành 24,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2024 và 4,7 triệu cổ phiếu ESOP (tỷ lệ 1,93%) với giá 10.000 đồng/ cổ phiếu. Đợt 2, Rồng Việt dự kiến chào bán riêng lẻ tối đa 48 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ sẽ giúp Rồng Việt chủ động, linh hoạt hơn trong sử dụng nguồn lực tài chính, giảm áp lực huy động từ các nguồn vốn vay, tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường và tận dụng tốt hơn các cơ hội đầu tư. Nguồn vốn thu được sẽ bổ sung vốn kinh doanh cho các hoạt động giao dịch ký quỹ/ ứng trước, tự doanh/ bảo lãnh phát hành tham gia hoạt động thị trường trái phiếu.

Bên cạnh kế hoạch tăng vốn điều lệ, ĐHĐCĐ cũng đã thông qua tờ trình trích 1% lợi nhuận sau thuế riêng (tương đương gần 2,9 tỷ đồng) cho Quỹ thiện nguyện và 2% lợi nhuận sau thuế riêng (tương đương hơn 5,7 tỷ đồng) cho Quỹ khen thưởng và phúc lợi.

"Chúng tôi cố gắng nắm bắt cơ hội"

Trong phần thảo luận, cổ đông hỏi: Vì sao năm 2025, VDS đặt doanh thu và lợi nhuận khá khiêm tốn so với nhiều công ty chứng khoán khác?

VDS có điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2025 trong tình huống mới nhất khi Trump áp thuế đối ứng với Việt Nam 46% hay không?

Về phân phối lợi nhuận, đề xuất 10% cổ phiếu thưởng, tôi cho rằng nên 2% tiền mặt và 8% cổ phiếu. Từ 2021 tới nay, Rồng Việt chưa chia tiền mặt cổ tức cho cổ đông?

Nhiều CTCK có ngân hàng mẹ tích cực tăng vốn,VDS có áp lực không? Có phát hành vốn riêng lẻ không? Ban lãnh đạo chia sẻ kết quả kinh doanh quý 1/2025, mảng nào đang đóng góp nhiều nhất? Tỷ lệ active của Rồng Việt và ngành chứng khoán, công ty có bình luận gì?...

tuan-mien-1743674198.jpg
Ông Nguyễn Miên Tuấn, Chủ tịch HĐQT Rồng Việt, trả lời các câu hỏi của cổ đông.

Trả lời các câu hỏi của cổ đông, ông Nguyễn Miên Tuấn, Chủ tịch HĐQT Rồng Việt, cho rằng năm 2025 là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ 5 năm, Chính phủ điều chỉnh mục tiêu tăng GDP trên 8%, cùng với đó yêu cầu đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Đến nay, dư địa thị trường xuất khẩu khá khó khăn khi mới đây nhất Tổng thống Trump đã tuyên bố dự kiến áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Việt Nam ở mức 46%.

Đối với TTCK, khi nền kinh tế tăng trưởng tốt thì kỳ vọng các doanh nghiệp niêm yết thuận lợi về tăng doanh thu, lợi nhuận. Về tăng cung tiền cho nền kinh tế thì lĩnh vực hưởng lợi là bất động sản, chứng khoán …. Tuy nhiên, trong cơ hội vẫn có rủi ro. Chúng ta thấy rõ rủi ro từ việc áp thuế xuất khẩu vào hàng Việt Nam từ Mỹ mới đây. TTCK ngay lập tức đã mất điểm kỳ lục trong lịch sử (thời Covid-19, giai đoạn đầu năm 2022…).

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá của Việt Nam còn rất căng thẳng, chứng khoán kỳ vọng nâng hạng thị trường, áp dụng KRX, nhưng đang đối mặt với sự bán ròng của khối ngoại. Quý đầu năm, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng khoảng 1 tỷ USD trên HoSE, dù TTCK tăng hơn 3% trong thời gian đó.

Trong bối cảnh khi đồng USD mạnh, thì các đồng tiền khác bị mất giá, các nhà đầu tư nước ngoài rất cân nhắc khi đầu tư. Phản ứng đầu tiên của nhà đầu tư là thu tiền mặt.

Chúng tôi cho rằng thanh khoản TTCK đi ngang so với năm ngoái, khi thanh khoản năm ngoái ở mức hơn 22.000 tỷ đồng/phiên. Dù nhìn thị trường thì trong tháng 3/2025, thanh khoản đi lên, nhưng tính cả quý 1/2025, thanh khoản đi xuống so với năm 2024.

Nguyên nhân VDS đặt doanh thu, lợi nhuận năm 2025 thận trọng so với năm 2024: chúng ta thấy các công ty chứng khoán năm 2024 đã tăng vốn lên nhiều để đón đầu việc cho nhà đầu tư nước ngoài mua chứng khoán Việt mà không cần ký quỹ.

Đối với VDS vẫn đang giữ mức vốn năm trước, chỉ tăng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đặt ra kế hoạch kinh doanh ở mức phù hợp năm 2025 để đảm bảo phát triển bền vững, không quá lạc quan, vì trong bối cảnh thị trường còn nhiều bất ổn, cần phải cạnh tranh. 

Về chính sách áp thuế nhập khẩu 46% đối với các mặt hàng Việt Nam thì cả thị trường bất ngờ, nhưng chúng ta cần chờ thêm. Chúng ta phải chờ xem Chính phủ Mỹ áp thuế cụ thể khác nhau đối với từng mặt hàng. Chờ xem chỗ nào bị ảnh hưởng, chỗ nào không…

"Dù có bất ngờ, đối với kế hoạch kinh doanh chúng tôi cố gắng hiểu thị trường để nắm bắt cơ hội", ông Tuấn nhấn mạnh.

Đối với TTCK kinh doanh không chỉ 1 ngày, 1 tuần mà là nhiều năm. Biết đâu đó, tới ngày 09/4/2025 chính sách áp thuế nhập khẩu của Mỹ đối với Việt Nam có thể thay đổi sau khi Chính phủ chúng ta gặp gỡ và thỏa thuận…

Về phân phối lợi nhuận cho cổ đông, năm nay quý cổ đông thông cảm khi công ty chia cổ tức bằng cổ phiếu để tiếp tục nâng cao năng lực tài chính. Trong tương lai, sẽ hài hòa chính sách cổ tức vừa tiền mặt vừa cổ phiếu. Nhưng bối cảnh hiện nay, HĐQT cần giữ lại nguồn tiền mặt đó để công ty có năng lực tài chính, phát triển khách hàng tốt hơn.

Năm ngoái và năm nay, Rồng Việt và nhiều công ty chứng khoán khác đều đặt mục tiêu tìm đối tác chiến lược, nhưng chưa hiệu quả. Không có doanh nghiệp Việt Nam nào muốn bán cổ phần gía thấp, mà muốn bán giá cao để mang về thặng dư cho cổ đông.

Thời gian qua, việc chào bán riêng lẻ với mức lãi suất cao cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Năm nay, VDS tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn bằng phát hành riêng lẻ.

Trong đó, quý 1/2025 Công ty chỉ thực hiện khoảng 15% mục tiêu doanh thu khoảng 6% mục tiêu lợi nhuận.

Năng lực cạnh tranh của Rồng Việt trong mảng môi giới cho vay còn bị hạn chế bởi quy mô về vốn. Chúng tôi tự tin đội ngũ Rồng Việt có kinh nghiệm hơn 20 năm trên thị trường, hy vọng sẽ có hiệu suất tốt hơn.

Danh mục tự doanh Rồng Việt chủ yếu chọn những đơn vị có nền tảng tốt, có năng lực cạnh tranh và định giá còn hợp lý. Theo như BCTC, thì chúng tôi chia đều cho các mảng ngân hàng, tiêu dùng bán lẻ và bất động sản KCN. Chúng tôi cũng chia một phần cho công nghệ.

Cổ phiếu lớn nhất của Rồng Việt là Kinh Bắc (mã chứng khoán KBC), tổng giá trị tính đến cuối quý 1/2025 khoảng 280 tỷ. Chúng tôi có thông tin KBC đã hoàn thiện pháp lý các dự án, sẽ hỗ trợ cho kinh doanh và giá cổ phiếu KBC.

Ái Linh