'Địa chỉ bạc' của Tây Nguyên
Tại vùng cao nguyên Đắk Nông, nơi đại ngàn bát ngát ôm ấp những tầng địa chất giàu trữ lượng bauxite, một công trình mang tính tiên phong đã thành hình, đó là Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông của đại gia Trần Hồng Quân. Đây là địa chỉ sản xuất nhôm kim loại đầu tiên của Việt Nam.
Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông được đầu tư xây dựng tại Khu công nghiệp Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, với diện tích trải rộng 129,42ha. Dự án có tổng công suất thiết kế 450.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD, triển khai qua ba phân kỳ. Trước mắt, giai đoạn 1 và 2 được triển khai với mức đầu tư 16.000 tỷ đồng, trong đó MBBank tài trợ và thu xếp vốn 12.500 tỷ đồng.
![]() |
Khu công nghiệp Nhân Cơ, nơi Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông tọa lạc (Ảnh: Lâm Bình) |
Dự án chính thức khởi công từ cuối tháng 9/2014 dưới sự chứng kiến của chính quyền tỉnh Đắk Nông. UBND tỉnh kỳ vọng nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào năm 2016 - 2017, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản phẩm từ alumin, là trụ cột nâng đỡ nền công nghiệp luyện kim quốc gia và địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nhôm trong nước.
Theo kế hoạch, khi vận hành ổn định, dự án sẽ đóng góp cho GDP tỉnh Đắk Nông khoảng 900 triệu USD/năm, nộp ngân sách bình quân 70 triệu USD/năm, tạo việc làm cho 950 lao động trực tiếp.
Tuy nhiên, từ ngày đặt viên gạch đầu tiên đến nay, dự án này vẫn chưa thể đi đến đích. Một công trình mang tính chiến lược quốc gia nhưng lại liên tục vướng phải nhiều trở ngại, trắc trở như: Thiếu hồ sơ thủ tục; sạt lở nghiêm trọng quanh khu công nghiệp; đại dịch Covid-19 cản trở chuyên gia nước ngoài sang lắp đặt thiết bị... Khó khăn khách quan đã kéo tiến độ trễ nải, để rồi thoáng chốc đã chậm gần mười năm ròng mà nhà máy vẫn chưa thể vận hành.
Gần đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã liên tục có những chỉ đạo gấp rút để thúc đẩy tiến độ. Theo báo cáo mới nhất, tổng vốn đầu tư thực tế đã đạt 2.100 tỷ đồng, hạ tầng kỹ thuật cơ bản hoàn thiện. Chủ đầu tư cũng đã thu xếp đủ nguồn vốn vay, đồng thời ký hợp đồng EPC với Tổng thầu NFC để triển khai lắp đặt thiết bị, sẵn sàng đưa nhà máy vào vận hành.
Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, quý II/2026 tới đây, nhà máy sẽ đưa phân kỳ 1 vào vận hành, với công suất 150.000 tấn/năm. Tiếp đó, quý II/2027, phân kỳ 2 sẽ tiếp tục đi vào hoạt động, nâng công suất lên 300.000 tấn/năm. Cuối cùng, đến quý I/2028, toàn bộ dự án sẽ hoàn tất, chạm tới 450.000 tấn/năm như thiết kế ban đầu.
Ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân - chủ đầu tư dự án, cam kết sẽ có mẻ nhôm đầu tiên trong quý II/2026. Nếu đúng theo lộ trình này, dự án không những đưa Đắk Nông lên bản đồ công nghiệp quốc gia mà còn hiện thực hóa giấc mơ xây dựng Việt Nam thành trung tâm sản xuất nhôm - một ngành vốn lâu nay phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Gương mặt ẩn sau thương vụ đình đám
Như chính danh xưng của mình, Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân là cơ nghiệp nghìn tỷ do doanh nhân tuổi Ất Mão Trần Hồng Quân (sinh năm 1975) gây dựng. Trước khi đặt chân vào dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông, ông cùng phu nhân Nguyễn Thị Bích Thảo (sinh năm 1976) đã sớm thành danh trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, từ lắp ráp xe gắn máy, khí đốt hóa lỏng đến bất động sản.
Trong đó, doanh nhân Trần Hồng Quân là người sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ ngành gas, bao gồm một tổng kho tồn trữ tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), một nhà máy chế tạo vỏ bình gas tại Khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên), cùng sáu nhà máy chiết nạp gas trải dài trên khắp các đô thị miền Bắc. Hệ thống phân phối vững chắc với hàng nghìn đại lý bán lẻ mở rộng từ thành thị đến nông thôn và trung du phía Bắc.
![]() |
Ông Trần Hồng Quân (thứ hai từ phải sang) xuất hiện tại buổi lễ ký kết hợp tác với MBBank ngày 21/3/2025 |
Doanh nghiệp này là đơn vị nhập khẩu, tồn trữ và sản xuất vỏ bình gas, đồng thời chiết nạp LPG, dẫn đầu thị phần gas dân dụng tại miền Bắc với thương hiệu danh tiếng Petro Hồng Hà.
Không chỉ giới hạn ở lĩnh vực năng lượng, ông Trần Hồng Quân tiếp tục ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản cao cấp với dự án tổ hợp khách sạn 5 sao và căn hộ hạng sang Crowne Plaza West Hà Nội, tọa lạc tại số 36 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, Hà Nội. Trước đây, dự án được vận hành dưới thương hiệu Crowne Plaza, thuộc tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng InterContinental Hotels Group (IHG). Sau đó, khách sạn đã đổi tên thành Sheraton Hanoi West, là một trong những biểu tượng của sự xa hoa và thịnh vượng giữa lòng Thủ đô.
Tiếp tục tìm hiểu, Báo Công Thương được biết trong hệ sinh thái kinh doanh đa ngành, ông Trần Hồng Quân vận hành chủ yếu qua bốn pháp nhân chính: Công ty TNHH Trần Hồng Quân Holdings - "cái nôi" của toàn hệ thống; Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân - chủ đầu tư dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông; Công ty TNHH Dầu khí Trần Hồng Quân - đảm trách mảng kinh doanh khí đốt và Công ty TNHH Thương mại Trần Hồng Quân - đơn vị phụ trách các hoạt động kinh tế liên quan.
Trước hết, xét đến ngọn cờ đầu trong hệ sinh thái, Trần Hồng Quân Holdings được thành lập vào năm 2000, với trụ sở ban đầu đặt tại khu căn hộ cao cấp liền kề Sheraton Hanoi West, trước khi chuyển về Khu công nghiệp Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp vào năm 2024.
![]() |
Dự án 36 Lê Đức Thọ là một trong những biểu tượng của sự xa hoa và thịnh vượng giữa lòng Thủ đô. |
Theo số liệu tháng 1/2025, doanh nghiệp có vốn điều lệ 988,4 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Dầu khí Trần Hồng Quân nắm giữ 50% (tương đương 494,2 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại Trần Hồng Quân sở hữu 21,5%, phần còn lại thuộc về ông Trần Hồng Quân (25%) và bà Nguyễn Thị Bích Thảo (3,5%). Kể từ khi chuyển đổi mô hình thành công ty holding, chỉ tập trung vào nắm giữ vốn và quản lý các công ty con thay vì trực tiếp sản xuất - kinh doanh, Trần Hồng Quân Holdings không phát sinh doanh thu trong nhiều năm, bình quân mỗi năm tiêu tốn khoảng 100 triệu đồng cho chi phí duy trì vận hành. Tính đến cuối năm 2023, nợ phải trả của doanh nghiệp đạt 825 tỷ đồng, cao hơn 75% so với vốn chủ sở hữu cùng thời điểm (471 tỷ đồng).
Trần Hồng Quân Holdings là pháp nhân sở hữu 95% cổ phần (tương đương 1.235 tỷ đồng) tại Công ty Luyện kim Trần Hồng Quân - chủ dự án nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông trị giá gần 1 tỷ USD nêu trên. Vì nhà máy vẫn đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào vận hành, nên đến nay, kết quả kinh doanh của Luyện kim Trần Hồng Quân vẫn là con số 0 tròn trĩnh.
Ngoài hai cái tên kể trên, "tay hòm chìa khóa" của đại gia Trần Hồng Quân hiện thuộc về Công ty TNHH Dầu khí Trần Hồng Quân - cũng là doanh nghiệp đang sở hữu 50% vốn cổ phần của Trần Hồng Quân Holdings. Từ khi thành lập năm 2018, "địa chỉ" này đã trở thành "túi tiền" của hệ thống khi liên tục đón dòng doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, lần lượt là 1.922 tỷ (2019), 1.592 tỷ (2020), 1.830 tỷ (2021), 2.214 tỷ (2022) và 2.833 tỷ (2023). Tuy nhiên, Dầu khí Trần Hồng Quân cũng "đốt tiền" không kém, với chi phí khổng lồ bào mòn gần như toàn bộ lợi nhuận.
Bình quân mỗi năm, doanh nghiệp này chỉ lãi trên dưới 2 tỷ đồng, một con số quá nhỏ so với nguồn thu to lớn của họ. Giai đoạn 2019 - 2023, dù tổng doanh thu đạt 10.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lại chỉ vỏn vẹn 12,3 tỷ, tương đương 0,1%!? Báo Công Thương đã liên hệ qua điện thoại với ông Trần Hồng Quân để làm rõ các chi tiết trên, tuy nhiên, ông Quân từ chối cung cấp thông tin và cho biết sẽ phản hồi vào thời điểm khác.
Cuối cùng, xét đến Công ty TNHH Thương mại Trần Hồng Quân. Trái ngược với đà tăng trưởng của Dầu khí Trần Hồng Quân, doanh nghiệp này lại ghi nhận sự sa sút mạnh mẽ kể từ năm 2019. Doanh thu lao dốc từ 2.318 tỷ đồng (2019) xuống còn vỏn vẹn 324 tỷ đồng (2023), phần nào phản ánh sự dịch chuyển dần của nguồn thu sang Dầu khí Trần Hồng Quân.
Đáng chú ý, các năm 2020 và 2022, công ty thậm chí phải nhận "trái đắng", gánh hai lỗ lần lượt 28 tỷ đồng và 45,5 tỷ đồng, bào mòn đáng kể phần lãi tích lũy trước đó. Hiện tại, doanh nghiệp có vốn điều lệ 500 tỷ đồng này do ông Trần Hồng Quân nắm 80% cổ phần, trong khi bà Nguyễn Thị Bích Thảo sở hữu 20%.
Từ những lát cắt nhỏ trong bức tranh tổng thể, có thể thấy bài toán chi phí vẫn là thách thức lớn đối với hệ sinh thái của đại gia Trần Hồng Quân. Hy vọng rằng ông sớm tìm ra lời giải, từng bước cải thiện lợi nhuận, vừa là củng cố nền tảng tài chính doanh nghiệp, vừa là đóng góp đáng kể vào Ngân sách Nhà nước, đơn cử như thuế thu nhập doanh nghiệp.
Với tư cách là nhà đầu tư Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông, một dự án được kỳ vọng sẽ kiến tạo 70 triệu USD mỗi năm cho ngân sách tỉnh và tạo "cú hích" tăng trưởng GDP địa phương, có thể nói ông Quân đang gánh trên vai trọng trách không hề nhỏ, với áp lực ngày càng lớn hơn.
Đó là những khó khăn chưa từng được giãi bày của vợ chồng doanh nhân này - những người từ lâu đã chọn cách ẩn mình, hiếm khi xuất hiện trên truyền thông và tuyệt nhiên không có phát ngôn nào thu hút sự chú ý dư luận. Họ lặng lẽ gây dựng cơ nghiệp, âm thầm chứng kiến thành quả đến từ rất sớm của mình. Điều may mắn là trên hành trình ấy, ông Trần Hồng Quân luôn có được sự đồng hành và ủng hộ tuyệt đối từ gia đình, đặc biệt là người bạn đời. Không những góp vốn sáng lập, bà Nguyễn Thị Bích Thảo còn giữ vai trò Phó Tổng giám đốc, sát cánh cùng chồng trong công việc điều hành. Thành quả này đến từ một lối sống kín đáo, chuyên tâm phát triển doanh nghiệp, cống hiến cho cộng đồng xã hội, đồng thời tránh xa những ồn ào không cần thiết! |
Đặng Ngải